Giáo dục

Tăng tốc ôn thi THPT quốc gia

Sau tết nguyên đán, thầy và trò lớp 12 nhiều trường trên cả nước đã bắt tay vào cuộc chạy đua ôn thi THPT quốc gia, tổ chức các đợt thi thử nhằm đánh gía kiến thức, năng lực học sinh

 ôn thi

Học sinh trường THPT Thành Nhân (TPHCM) đang tích cực ôn tập

Ngay sau tuần học đầu tiên, học sinh trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM đã tràn đầy khí thế, nghiêm túc cho việc học. Do là trường nội trú nên các em rất nề nếp, giờ học được giáo viên sắp đặt và kèm cặp sát sao.

Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tại, lịch học của học sinh tại trường đang bố trí 3 ca kéo dài từ 7h30 đến 21h30. “Ca sáng và chiều các em học chính khóa, ca tối ôn tập và giải đề. Việc học và ôn được các giáo viên linh động sao cho phù hợp, hiệu quả nhất nhưng vẫn phải đảm bảo đúng chương trình học theo quy định”, thầy Độ nói.

Theo thầy Độ, song song với việc ôn thi, trường còn tổ chức 5 lần thi thử với hình thức, cách thi, đề thi như thi thật để các em học sinh làm quen với không khí thi, có được tâm lý tốt và ước lượng được thời gian làm bài…”, thầy Độ nói.

Về đề thi, thầy Độ cho biết, nếu chiểu theo đề thi minh họa mà bộ GD&ĐT công bố thì đề không khó nhưng mức độ rộng hơn, bao gồm cả lớp 10 và 11. “Các kiến thức 10, 11 và 12 có nhiều bài, nhiều chương liên quan nhau nên lúc dạy thầy cô cũng lồng ghép vào để ôn tập, tránh chồng chéo và giúp học sinh nhớ lâu hơn”, thầy Độ chia sẻ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho biết, thầy và trò nhà trường cũng đang có tâm lý tốt cho việc vừa học và vừa ôn. Theo đó, từ học kỳ 2, ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng, nhà trường còn bố trí thêm 3 buổi chiều để học sinh đăng ký ôn tập theo ban. “Việc đăng ký đều do học sinh tự nguyện chọn môn và chọn thầy cô phù hợp. Tại buổi học này, học sinh được ôn tập, làm bài và giải đề liên tục để nâng cao kỹ năng, củng cố kiến thức”, thầy Phú nói.

Ngoài ra, thầy Phú cho biết, nhà trường cũng khuyến khích 100% học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (tổ chức ngày 31/3) để tăng thêm cơ hội cũng như có thêm kinh nghiệm thực tế trước kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức vào tháng 6…

Thử năng lực qua các kỳ thi

Thời điểm này, học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình sách giáo khoa tuy nhiên xác định từ nay đến khi diễn ra kỳ thi không còn nhiều thời gian nên các trường đều có phương thức vừa học vừa kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh. Theo các hiệu trưởng, nếu chờ đến thời điểm kết thúc chương trình là cuối tháng 5 mới bắt đầu kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ “trở tay không kịp”. Tuy nhiên, vừa học vừa ôn tập, kiểm tra. giáo viên và học sinh sẽ rất vất vả. Đặc biệt, giáo viên các môn sau khi có đề minh họa, được giao thiết kế hàng trăm đề mẫu trong phạm vi kiến thức đã học để học sinh rèn kỹ năng giải đề.

Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt quận Tân Phú (TP HCM) cho biết, riêng học sinh khối 12, thời điểm này cứ kết thúc mỗi tuần giáo viên đều cho học sinh làm bài kiểm tra để đánh giá kiến thức thu nhận được. Theo thầy Hiếu, việc làm này sẽ theo sát được năng lực học sinh, qua đó giáo viên tư vấn và giải đáp ngay các vấn đề còn chưa nắm được.

Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương (Thanh Hoá) ông Lê Văn Dị cho biết, hàng năm, cứ sau dịp Tết nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng tốc ôn tập cho học sinh để giúp các em nắm chắc kiến thức. Phương pháp của trường là chia nhỏ các nhóm học sinh theo trình độ, năng lực từ giỏi, khá, trung bình, yếu…và phân công giáo viên lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức phù hợp theo từng nhóm.

Ông Dị cho rằng, cách làm này trường đã áp dụng nhiều năm và đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Bởi học sinh có năng lực giỏi, xuất sắc khi ôn các dạng bài cùng học sinh trung bình, kém sẽ không phát huy hết tố chất của các em và ngược lại, nếu giáo viên cho dạng đề khó quá học sinh trung bình, yếu cũng khó có thể làm được. Mục tiêu của các nhóm học sinh có năng lực khác nhau cũng khác nhau hoàn toàn khi học sinh giỏi chinh phục các trường ĐH top trên, học sinh trung bình, yếu có thể chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp hoặc vào các trường top dưới.

Ngoài ra, ông Dị cũng chia sẻ một kinh nghiệm mà trường áp dụng nhiều năm nay là tổ chức thi thử như thi thật để học sinh thử sức và tự đánh giá năng lực của mình đến đâu. Một năm, trường tổ chức khoảng 3 đợt thi thử, đề do giáo viên trường biên soạn và tổ chức coi thi nghiêm ngặt như kỳ thi thật của kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh cũng được đánh phách, mỗi học sinh một mã đề khác nhau. Trước mỗi lần thi, học sinh cũng dồn sức để học, cũng cố kiến thức nên đến sát ngày thi các em và giáo viên không quá vất vả. “Và nhờ công tác tổ chức tốt các đợt thi thử nên năm nào học sinh các trường khác cũng đến đăng ký thi thử sức cùng trường”, thầy Dị nói.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ có nội dung chủ yếu trong chương trình lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hoá phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề minh hoạ và khẳng định, đề minh hoạ có thể làm căn cứ để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Tác giả: NGUYỄN DŨNG -NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: ôn thi , Thi THPT quốc gia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP