Ông Sái Công Hồng (giữa) đọc bản kết luận thẩm tra, rà soát mà trong cuộc họp báo không cho phóng viên hỏi. *ảnh: Duy Chiến |
Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" sau khi tỉnh Hà Giang công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 với hàng loạt bất thường. Sau đó, lan sang một loạt tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên,…
Đặc biệt, việc rà soát điểm thi 'khủng' ở Lạng Sơn gây nhiều bất ngờ vì không có nhiều thay đổi. Tuy thế, điều lạ là những điểm số cao vút mà dư luận nghi ngờ lại không hề xảy ra, ngược lại còn có những trường hợp... giảm điểm của thí sinh.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT xung quanh những kết luận về gian lận điểm thi tại các tỉnh trong kì thi THPT năm nay.
PV: Thưa tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, kết luận ở Lạng Sơn hôm 21/7 khiến dư luận không “tâm phục khẩu phục” và có quyền nghi ngờ về kết quả đó?
TS Hoàng Ngọc Vinh: Việc Bộ đã lập đoàn kiểm tra để đánh giá lại các khâu từ tổ chức coi thi đến chấm thi tại Lạng Sơn và đã có kết luận thì chúng ta nên tin vào kết luận ấy. Còn nghi ngờ thì là quyền của dư luận do người ta thấy điểm thi cao dị thường và các thí sinh tự do ngồi chung ở một số phòng thi và dư luận vẫn có nghi ngờ về sự gian lận tập thể.
Tuy nhiên, nếu có gian lận thì không dễ phát hiện trừ chính những người trong phòng thi đó tố giác. Đấy là nghi ngờ của dư luận.
Tôi hơi tiếc là buổi họp công bố mang tính thông tin một chiều, anh em phóng viên không được hỏi thành ra dư luận rất dễ nghi ngờ rằng có điều gì ẩn khuất. Nếu không có vấn đề gì thì nhóm công tác cũng chẳng ngại gì mà không công khai cho mọi người hỏi và trả lời vì sự thật chỉ có một.
PV: Với việc nhiều tỉnh có gian lận trong thi cử được phanh phui như Hà Giang, Sơn La,...và nhiều tỉnh có số liệu bất thường khiến nhiều trường đại học top trên lo ngại về chất lượng đầu vào, ông có thấy như vậy không?
Kết quả thi vừa qua chúng ta xử lý ở những địa phương có sự bất thường về điểm số trên thống kê. Không loại trừ những trường hợp gian lận không quá trắng trợn như ở Hà Giang thì rất khó phát hiện. Kết quả thi được công nhận thì các trường phải lấy làm căn cứ để tuyển tránh oan sai cho nhiều thí sinh khác. Ngoài ra, trường ĐH phải là "bộ lọc" hiệu quả để loại ra những sinh viên vào đại học không phải bằng năng lực của chính bản thân, vào đại học rồi nhưng để tốt nghiệp thì chưa chắc.
PV: Với những tỉnh Hoà Bình, Lai Châu, Kon Tum có dấu hiệu bất thường mà Bộ GD&ĐT không lập đoàn kiểm tra như ở Hà Giang, Lạng Sơn và Sơn La thì liệu kết quả thi có công bằng cho thí sinh giữa các tỉnh không, thưa ông?
Bộ đã có chỉ đạo rà soát trên các tỉnh còn lại hy vọng việc thay đổi điểm chỉ diễn ra ở một phạm vi rất hẹp như ở Hà Giang, Sơn La. Chúng ta phải tin tưởng vào sự rà soát nghiêm túc của địa phương, đồng thời cần có kênh tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ những thí sinh dự thi năm nay, nếu có trường hợp nào bị nghi ngờ đều phải được lưu ý xem xét, so sánh đối chiếu giữa học lực, kết quả thi thử với kết quả thi chính thức để loại bỏ những thí sinh liên quan đến tiêu cực.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: ĐỖ HỢP (THỰC HIỆN)
Nguồn tin: Báo Tiền phong