"Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác" vào đề thi lớp 10, khiến thí sinh khá thích thú vì có tính thời sự cao |
Đa số thí sinh ở Đà Nẵng cho rằng đề thi vào lớp 10 của môn văn năm nay vừa sức với học sinh và nội dung đều nằm trong chương trình học.
Kết thúc môn thi đầu tiên khá nhẹ nhàng và thoải mái, thí sinh Đỗ Nguyên Khiết Quỳnh (Trường THCS Trưng Vương, Đà Nẵng) nhận xét đề thi môn văn khá vừa sức vì nội dung nằm trong sách giáo khoa.
Quỳnh cho biết điểm mới của đề thi năm nay là thí sinh được lựa chọn 1 trong 3 đoạn thơ để phân tích nhằm thể hiện vẻ đẹp của người Việt Nam. “Điểm mới này thực sự thú vị. Khi mới nhận đề, đa phần các bạn đều bất ngờ nhưng khi đọc kỹ mới biết là chọn 1 trong 3 nên đã bình tĩnh đọc kỹ và chọn đề mình thích để làm bài hiệu quả”, Khuyết Quỳnh cho biết.
Thầy Nguyễn Đình Hòa (Giáo viên dạy văn, Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng), cho biết việc lựa chọn 1 trong 3 nội dung để làm bài vừa có yếu tố mở, vừa giảm áp lực cho thí sinh khi học và thi trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến việc học nên đề thi như vậy là hợp lý, các em có nhiều cơ hội lựa chọn hơn để làm bài thuận tiện và ít áp lực. Tuy nhiên, chính là qua việc lựa chọn 1 trong 3 đó sẽ giúp đánh giá được năng lực của học sinh. Việc chọn đoạn thơ mà mình thích thể hiện năng lực thực sự của từng học sinh”, thầy Hòa nói.
Bài học kiểm soát cái tôi cá nhân
Ngoài những kiến thức, nội dung liên quan đến chương trình phổ thông, câu số 2 (3 điểm) nghị luận xã hội đưa ra yêu cầu “viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác”, được đánh giá khá thú vị và đặc biệt có tính thời sự cao.
Thí sinh Đà Nẵng thích thú với đề thi nhắc đến "sự tế nhị khi giúp đỡ người khác", vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục cao.AN DY |
Chia sẻ về nội dung yêu cầu viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác, thí sinh Minh Khang (Trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng) khẳng định đề bài rất thời sự và khá “nhạy”.
Theo Khang, sự tế nhị, trước tiên chính là dành sự tôn trọng đặc biệt cho người được giúp đỡ. "Tế nhị cũng chính là tôn trọng sự riêng tư. Để làm được điều này trước tiên phải có ý thức về cái tôi cá nhân. Bớt cái tôi cá nhân của mình lại, đừng để cái tôi của mình cao quá đến mất kiểm soát, đặc biệt khi họ đang khó khăn, sẽ dễ khiến người nhận sự giúp đỡ bị tổn thương”, Minh Khang chia sẻ.
Thí sinh Nam Khang nhận xét nội dung này của đề thi thực sự mang thông điệp về tình người và tính cộng đồng, nhất rất thời sự và mang tính “nhắc nhở” nên có sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
Khi làm bài, Nam Khang cũng như các học sinh khác tập trung về sự tôn trọng lẫn nhau, quyền được tôn trọng cơ bản giữa người với người, bao gồm tôn trọng quyền riêng tư của những người được giúp đỡ. “Với em, khi sự tế nhị được đề cao, sẽ giúp mọi người kiểm soát được hành động, tránh sự vô tình mà làm tổn thương nhau. Đó cũng là câu chuyện được chia sẻ nhiều những ngày qua trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội”, Nam Khang cho biết.
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Đình Hòa nhận định đề văn không chỉ mang tính thời sự mà còn mang tính giáo dục cao đối với học sinh. “Đề không quá sức học sinh thi vào lớp 10. Các em chín chắn và có chính kiến lắm. Bên cạnh đó, các em tiếp xúc một lượng lớn thông tin trên mạng nên tôi tin rằng các em có đủ dữ kiện và kiến thức để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, để bài viết đạt yêu cầu thì còn phải phụ thuộc vào vốn ngôn ngữ, năng lực diễn đạt của học sinh. Qua đó cũng sẽ góp phần phân loại, tìm kiếm những học sinh có phần bài làm đặc biệt ấn tượng...”, thầy Hòa nói.
Theo Sở GD-ĐT, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Đà Nẵng có hơn 13.000 thí sinh tham gia. Tất cả thí sinh và cán bộ phục vụ các khâu của kỳ thi đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.
Tác giả: An Dy
Nguồn tin: Báo Thanh niên