Giáo dục

Sự cố lọt đề là bài học cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới

Các nhà quản lý giáo dục đều đánh giá sự cố lọt đề thi khi thí sinh làm bài được 60 phút là hy hữu và rất nghiêm trọng.

Ngày 7/6, gần 95.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 công lập để tuyển hơn 63.000 học sinh. Cả hai buổi thi Ngữ văn và Toán đều xảy ra sự cố lọt đề thi ra ngoài khi thời gian làm bài mới được khoảng 60 phút. Nhiều nhà quản lý giáo dục đã chia sẻ quan điểm về việc này.

Lộ đề thì mức độ rất nghiêm trọng, phải hủy kết quả thi

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng sự việc giám thị đưa đề thi Văn và Toán ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài là sai phạm nghiêm trọng. Muốn xác định là "lọt" hay "lộ" đề cần sự phối hợp giữa ngành giáo dục và cơ quan công an.

Nhiều năm làm khảo thí ở TP HCM, ông Ngai cho rằng, lộ đề tức là đề nhiều người biết, hoặc bị phát tán trước khi thi. Ở Hà Nội, đề bị đưa ra ngoài khi thí sinh làm bài được một thời gian nhất định (cách gọi của ngành giáo dục Hà Nội là lọt đề). Trường hợp này, nhà chức trách cần xác định có thí sinh nào trong phòng thi nhận được tín hiệu (đáp án, hướng dẫn, gợi mở) từ người bên ngoài?

Đề Toán được các nhóm chia sẻ ít phút sau thời gian bắt đầu làm bài của thí sinh.

"Việc xác định chỉ có cơ quan công an với biện pháp nghiệp vụ mới làm được. Nếu đề có ra ngoài nhưng chưa thí sinh nào nhận được tín hiệu trên, có thể coi là không bị lộ đề và duy trì kỳ thi. Nếu xác định có, kỳ thi buộc phải hủy để đảm bảo sự nghiêm túc và công bằng", ông Ngai nói.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM, từng nhiều năm làm trưởng điểm thi lớp 10 cho rằng, quá trình bảo mật đề là từ khi làm đề đến khâu niêm phong, di chuyển đến điểm thi, sau đó phát cho thí sinh và chờ hồi trống hết giờ vang lên.

Đề thi Toán và Văn ở Hà Nội bị đưa ra ngoài sau mốc thời gian báo hiệu giờ làm bài nên không thể tính là lộ đề. Song, cùng quan điểm với ông Ngai, hiệu trưởng này cho rằng nếu xác định có tín hiệu phát tán bài giải, hướng dẫn từ bên ngoài vào cho thí sinh dưới bất cứ hình thức nào bằng tờ đề bị đưa ra ngoài, kỳ thi phải bị hủy kết quả.

"Ngày, giờ chụp ảnh đề thi còn lưu trên điện thoại, giám thị chụp ảnh gửi cho ai, ảnh phát tán đến những nơi nào, tín hiệu bài giải có bị đưa ngược vào trong phòng thi hay không, việc xác minh rất phức tạp, cần cơ quan công an", ông nói.

Theo một lãnh đạo trường THPT khác tại TP HCM, quy chế tuyển sinh THCS và THPT hiện nay mang tính hướng dẫn chung, tùy điều kiện địa phương ban hành quy định chặt chẽ, riêng biệt cho các kỳ tuyển sinh. Do đó, việc xác định "lọt" hay "lộ" đề thi không thể dựa trên quy chế hiện nay mà cần xác định hệ quả cho việc "lọt đề" đó ảnh hưởng đến kỳ thi như thế nào.

"Theo thông tin từ hôm qua đến nay, chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào phá hỏng kỳ thi từ việc đề bị đưa ra ngoài nên tạm thời kỳ thi vẫn được chấp nhận. Song, động cơ hai lần phát tán đề của giám thị cần được làm rõ bởi đây rõ ràng là việc làm có chủ ý", lãnh đạo này khẳng định.

Học sinh TP HCM chứng kiến và ký vào biên bản xác nhận đề thi lớp 10 vẫn còn niêm phong. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bài học "xương máu" cho kỳ thi THPT quốc gia cuối tháng 6

Quy định tuyển sinh lớp 10, theo ông Ngai, là nghiêm ngặt, do các Sở Giáo dục phổ biến cụ thể, kỹ lưỡng đến từng hội đồng thi (hoặc điểm thi) và từng cán bộ coi thi. Trong sự cố ở Hà Nội, Sở Giáo dục cần rà soát quy trình tập huấn, phổ biến quy chế thi đến giám thị và trực tiếp là giám thị vi phạm coi thi trên. Trưởng điểm thi phải chịu trách nhiệm liên đới với vai trò là người quản lý.

Ông Ngai cho biết, tại TP HCM nhiều năm nay, tất cả cán bộ làm công tác cho kỳ thi lớp 10, khi vào điểm thi đều phải nộp lại điện thoại di động. Mỗi điểm thi có một chiếc loa, phòng trường hợp khẩn cấp thì thông báo đến giám thị. Công tác coi thi được giám sát chặt chẽ nên chưa xảy ra sự cố đáng kể nào. Từ ngày làm quản lý đến lúc nghỉ hưu tới nay, ông cũng chưa nghe bất cứ kỳ thi lớp 10 nào ở TP HCM hoặc các tỉnh thành lân cận phải hủy bỏ vì sự cố lộ đề.

"Sự cố ở Hà Nội là bài học lớn cho công tác tổ chức thi cử ở các địa phương sắp tới, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia diễn ra ngày 25-27/6", ông Ngai nói.

Theo Hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM, rất khó để thanh minh cho hành vi sai trái của giám thị, bởi quy trình tập huấn coi thi được tổ chức nhiều lần, nghiêm túc. Sở Giáo dục sẽ tập huấn cho trưởng điểm thi, hiệu trưởng. Hiệu trưởng sẽ phổ biến lại cho giáo viên được cử đi coi thi trong các cuộc họp, tập huấn. Những cán bộ coi thi cũng được tập huấn theo cụm một lần nữa, rồi được trưởng điểm thi nhắc nhở, phổ biến trước kỳ thi và trước mỗi buổi thi.

"Dù kết quả xác minh thế nào thì sự cố trên cũng gây những bức xúc cho dư luận xã hội. Đây là kinh nghiệm xương máu cho các điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018", ông bày tỏ.

Sáng 7/6, trong buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi lớp 10 THPT năm học 2018-2019 tại Hà Nội, sau thời gian tính giờ làm bài một tiếng, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp đề thi. Đề này trùng khớp với đề thí sinh mang về sau kết thúc buổi thi.

Phó giám đốc Sở Giáo dục Lê Ngọc Quang khẳng định: "Đây là hiện tượng lọt đề thi, không phải lộ đề. Vì lộ đề phải trước thời điểm bóc niêm phong đề thi, còn trường hợp này chúng tôi xác minh đề lọt ra ngoài lúc 9h08".

Chiều cùng ngày, một tiếng sau khi kết thúc buổi thi môn Toán, ông Quang thừa nhận đề Toán lại bị lọt ra ngoài. Sau khi thí sinh làm bài được khoảng 60 phút, mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Toán.

Sở phối hợp với công an xác minh, phát hiện giáo viên Nông Hoàng Phúc, trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn), là cán bộ coi thi số 2, mang điện thoại vào phòng, chụp đề thi và truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh). Cán bộ này đã khai nhận hành vi và nhận chụp cả đề thi Ngữ văn buổi sáng.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP