Xã hội

Sông Tả Trạch sạt lở nghiêm trọng do "cát tặc" hành hoành?

Hàng nghìn mét bờ sông bị “nuốt chửng”, nhiều đoạn đường bị đe dọa vì sạt lở... Đó là những gì xảy ra tại bờ sông Tả Trạch, xã Dương Hòa.

Hàng nghìn mét bờ sông bị “nuốt” mỗi năm

Nhiều hộ dân phản ánh, dọc bờ sông Tả Trạch, khúc qua ba thôn Buồng Tằm, thôn Hộ và thôn Hạ (thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) tình trạng sạt lở đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ.

Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Plus trên khúc sông này, có đoạn sạt lở khoảng 5km, nhiều chỗ lở dài 20-30m, nhiều khúc sông bị nước khoét sau tạo thành nhiều “hàm ếch” có thể sụt xuống bất kì lúc nào.

Nhiều đoạn sạt lở rộng 20-30m, tạo thành nhiều 'hàm ếch' lớn.

Nghiêm trọng hơn, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn dọc bờ sông cũng bị tình trạng sạt lở đe dọa trực tiếp, phần đất lở chỉ còn cách mép đường khoảng 3-5m.

Đặc biệt, trên tuyến giao thông liên xã nối hai xã Dương Hòa với xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) có một điểm sạt lở đã ăn sâu vào sát mặt đường bê tông, và có hiện tượng tiếp tục lấn sau.

Đoạn đường liên xã gần bờ sông cũng đang bị đe dọa vì sạt lở sát vào tận đường bê tông.

Người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Tả Trạch đoạn qua xã Dương Hòa đã xảy ra từ nhiều năm qua.

Vào mùa mưa lũ hằng năm, nước sông dâng cao, chảy xiết, khiến bờ sông bị ăn sâu thêm từ 5-10m, nhiều diện tích đất canh tác ven sông của bà con bị “hà bá nuốt trọn”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong vùng.

Trước hiện trạng này, ông Nguyễn Văn Duy (thôn Buông Tằm, xã Dương Hòa) cho biết: “Mỗi khi nước sông Tả Trạch chảy mạnh là hàng trăm khối đất bị hút xuống sông. Hiện sông đã ăn sâu vào vườn nhà tôi khoảng tầm từ 10-15m nhưng sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi rất lo lắng vì đó là mảnh đất chính để làm ăn sinh sống”.

Nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị 'hút xuông' lòng sông.

Trước thực tế đó, hàng chục hộ dân sống ven khúc sông này đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng mạnh.

Sạt lở do cát tặc “moi ruột” sông?

Khi nhắc tới hiện trạng trên, nhiều người dân bức xúc cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sạt lở chủ yếu do việc khai thác cát sạn quá mức, làm thay đổi dòng chảy của dòng sông. Sông bị “moi hết ruột” làm cho nền đất bị yếu, khiến đất hai bên bờ bị hút xuống.

Nói tới tình trạng này, anh Lê Văn Tân (45 tuổi, thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) không ngại phản ánh thẳng, chính việc khai thác cát trên sông là nguyên nhân chính gây ra hiện trạng sạt lở.

Tình trạng hút cát sai quy định tại khúc sông này vẫn diễn ra ngang nhiên. Người dân cho rằng đó là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở.

“Ở khúc sông này có điểm là nơi các tàu hút cát thường xuyên hoạt động trái phép.Việc khai thác bừa bãi, quá mức này khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Việc khai thác cát này diễn ra khoảng từ 3 - 4 năm nay, có ngày số tàu hút cát lên đến 5-7 chiếc, hoạt động từ sáng sớm đến đêm khuya, lấy đi hàng vạn khối cát sỏi dưới lòng sông. Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, lòng sông lấn dần vào đất của dân, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân” - anh Tân bức xúc.

Ngoài ra, anh Tân cho biết, sạt lở đã lấn sau vào đất hoa màu của nhà anh khoảng 20-30m khiến cho việc sản xuất của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định, tàu hút cát chỉ khai thác trong phần mỏ được cấp phép, tuy nhiên có nhiều tàu ngang nhiên hút cát bừa bãi tại nhiều khúc sông, đặc biệt tại các đoạn sông có đất canh tác của người dân.

Anh Tân cho rằng, từ khi doanh nghiệp đến đây khai thác cát thì tình trạng sạt lở mới diễn ra mạnh hơn. Vì vậy, anh thường xuyên theo dõi, bắt quả tang các tàu hút cát khai thác sai quy định để báo cáo cho chính quyền xử lý.

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Lê Văn Thức – Phó chủ tịch xã Dương Hòa cho biết, tình trạng sạt lở đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất của người dân khoảng 20 – 30m, ảnh hưởng lớn đến việc canh tác hoa màu của bà con.

Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn xẩy ra nghiêm trọng hơn.

Theo ông Thức, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở mạnh ở đây là do thượng nguồn của sông có dòng chảy mạnh, 2 bên bờ sông là cát bồi nên dễ bị xói lở. Nguyên nhân khác cũng một phần là do tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn đang diễn ra trên địa bàn xã. Ngoài ra, do thiên tai hàng năm diễn biến phức tạp cũng dẫn đến tình trạng nói trên.

Về tình trạng khai thác cát trái phép tại địa bàn, chính quyền xã đã có văn bản phối hợp với UBND xã Thủy Bằng để tiến hành điều tra, bắt giữ các tàu vi phạm nếu có hành vi khai thác trộm, trái quy định.

“Từ đề nghị của người dân về việc phòng chống nạn khai thác cát trái phép, UBND xã Dương Hòa đã thành lập tổ tự quản trên các khúc sông này. Đồng thời cấp phương tiện cho các đội để kiểm tra tình hình khai thác cát của các tàu trong khu vực”,ông Thức cho biết thêm.

Trước vấn đề này, người dân có nguyện vọng muốn các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ, biện pháp răn đe cứng rắn với các đối tượng khai thác cát trái phép.

Có phương án hợp lý để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực sạt lở, để họ không còn sống trong cảnh lo âu, nhất là khi mùa mưa lũ gần tới.

Pháp luật Plus đề nghị các cơ quan chức năng địa phương cần nhanh chóng có những biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn quá trình sạt lỡ đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần sớm chấn chỉnh vấn nạn khai thác cát trái phép vì đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đăng Hậu - Hải Long

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP