Quảng trường Registan - Ảnh: KIM NGÂN
Là thành phố lớn thứ hai ở Uzbekistan, cách thủ đô Bishkek chừng 350km, Samarkand còn được trìu mến gọi là “thủ đô xanh”, từng là thủ đô của vương quốc Temurid hùng mạnh.
Tình cờ tôi đọc được một câu nói của Juvaini “Nếu có thiên đường trên hạ giới thì đó hẳn phải là Samarkand” nên tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên vì sao thành phố lại có cái tên dễ thương như vậy.
Những mái vòm xanh ngọc lam và bức tranh tường phủ sành, khảm ngọc quý với những hình trang trí nghệ thuật màu xanh chủ đạo trên những nhà thờ Hồi giáo vẫn rực rỡ tỏa sáng sau bao thăng trầm lịch sử.
Dù nằm trong ốc đảo bên dòng sông Zerafshan và có vị trí hết sức quan trọng trên Con đường tơ lụa nhưng khí hậu Samakand vẫn khắc nghiệt, mùa hè tầm 40 độ C, còn mùa đông có khi đến -20 độ C nên dân cư khá thưa thớt.
Samarkand khiến một kẻ mới bước chân tới lần đầu như tôi phải ngẩn ngơ giữa thế giới tâm linh hồi giáo. Thành phố gần 3.000 tuổi - di sản văn hóa thế giới này được UNESCO gìn giữ với tên Samarkand - các giao lộ văn hóa.
Được thành lập vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, thành phố phát triển tột bậc trong thời đại Timurid (khoảng thế kỷ 14 - 15) với quảng trường Registan - trái tim thành phố cổ với những nhà thờ Hồi giáo tráng lệ và trường học Hồi giáo, lăng hoàng đế Amir Temur, ngôi chợ lớn nhất thành phố Siab bazaar luôn sầm uất với đủ mặt hàng, quần thể Shakhi-zinda và Gur-Emir cũng như đài quan sát Ulugh-Beg...
Muốn lạc ở Samarkand cũng không thể vì đôi chân như cứ tự nhiên mải miết theo ba hướng chính của thành phố.
Bảo tàng Amir Temur - Ảnh: KIM NGÂN
Hoàng hôn ở quảng trường Registan - Ảnh: KIM NGÂN
Tượng Hoàng đế Amir Temur - Ảnh: KIM NGÂN
Hướng đông bắc thành phố là khu thành cổ Afrosiab, thành lập từ thế kỷ 7 trước Công nguyên. Dường như trong bóng chiều tà vẫn còn nghe được tiếng la hét tủi hờn của những con người đòi tự do dưới vó ngựa của đội quân Thành Cát Tư Hãn từ thế kỷ 13.
Vẫn còn đó những vết tích của thành cổ, pháo đài, cung điện với những bức tranh tường. Đặc biệt nhà thờ Hồi giáo lớn xây từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12 vẫn hiên ngang vươn vai giữa trời xanh như thách thức với thời gian.
Phía nam là cụm công trình kiến trúc và thành phố trung cổ từ triều đại Temurid ở thế kỷ 14-15, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kiến trúc, nghệ thuật, quy hoạch thành phố. Khu phố cổ vẫn còn chứa đựng những nét lịch sử, đặc trưng của vùng với những ngôi nhà thấp xây từ gạch bùn.
Nhìn những kiệt tác ấy tôi thầm nghĩ đến công lao các bậc thầy đã tạo dựng những nét đặc sắc của thế giới Hồi giáo vẫn còn được giữ gìn đến tận hôm nay, một thời từng ảnh hưởng đến khu vực và tác động tới cả thành tựu đặc sắc của người Safavids ở Nam Tư, Monghuls ở Ấn Độ, thậm chí triều đại Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía tây thành phố dễ dàng nhận ra những công trình hiện đại là kiến trúc Nga và Tây phương được xây dựng từ thế kỷ 19-20.
Nổi tiếng nhất có lẽ là Bibi-Khanym với truyền thuyết về việc xây dựng nhà thờ này. Người vợ yêu của hoàng đế Timur đã đồng ý cho vị kiến trúc sư trưởng hôn lên má nhằm hối thúc ông xây dựng nhà thờ cho kịp ngày chào đón hoàng đế trở về. Nhưng vì tình yêu sâu đậm với hoàng hậu mà nụ hôn để lại trên má nàng vĩnh viễn khiến hoàng đế nổi giận.
Tôi chẳng biết truyền thuyết có thật hay không nhưng vẻ đẹp kiều diễm của nhà thờ Hồi giáo này quả thật hoàn toàn xứng đáng để ban tặng một nụ hôn.
Một góc phố Samarkand - Ảnh: KIM NGÂN
Nhà hát kịch Samarkand - Ảnh: KIM NGÂN
Một bức tranh tường trên tòa nhà bên đường - Ảnh: KIM NGÂN
Một người đàn ông bản xứ trong phố cổ - Ảnh: KIM NGÂN
Có cảm giác như bước giữa thành phố trong buổi chiều hoàng hôn, ta phải nín thở để nghe và cảm nhận thành phố tôn giáo có lịch sử lâu đời và quan trọng chẳng kém Roma, Athens, nơi từng chứng kiến sự tồn tại của các nền văn hóa khác nhau dưới sự thống trị của Alexander đại đế, người Ả Rập, người Ba Tư, Turkic, Sa Hoàng.
Trên đường rời Samarkand, bức tượng của nhà thơ Abu Abdulloh Rudakiy (858-941), người Ba Tư trang trọng với chòm râu dài, khuôn mặt thông thái suy tư. Vì mến mộ tài năng của ông mà Nars II, hoàng đế cai trị triều đại Samanid (914-943), đã mời ông về làm nhà thơ quan tòa cho mình.
Khi mới đọc bài thơ này của ông tôi vẫn chưa thể hiểu được, nhưng tới khi khám phá Con đường tơ lụa xuyên các nước Trung Á thì tôi phải thầm khâm phục ông. Chẳng biết lúc đó ông đã dự tính được tương lai kiếp người Ba Tư hay ông có điều muốn nói về tôn giáo của mình.
"Tôi nhìn thấy một con chim gần thành phố Sarakhs Nó cất cao giọng hót lên tận mây xanh Tôi nhìn thấy một chiếc chador sắc màu trên đó Quá nhiều màu sắc trong chiếc chador kia".
Tạm biệt Samarkand, bầu trời hôm ấy trong xanh đến lạ. Tôi chẳng thể nào quên được những bộ quần áo của thiếu nữ Uzbek rực rỡ sắc màu, những chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ, những nụ cười tỏa nắng vì răng bọc vàng và màu ngọc lam của những nhà thờ ngạo nghễ giữa thành phố cổ...
Tác giả bài viết: KIM NGÂN