Tại đền Hoàng Mười, bên trong thì có biển bảng quy định “Không đưa hàng mã, hương vào các cung trong đền”, tuy nhiên, phía ngoài đường vào cổng đền, 2 bên lại bày bán rất nhiều vàng mã, hàng mã, lễ vật bằng vàng mã. Cũng bởi vậy, mà dường như rất ít người vào Đền hành lễ để ý đọc và thực hiện các điều được ghi trên các biển, bảng đã quy định. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, đầu năm đi lễ - cuối năm trả lễ, vật phẩm càng cao thì bổng lộc càng nhiều khiến cho người dân đi lễ theo kiểu mạnh ai nấy làm
Ông Nguyễn Kim Khánh – Phó BQL Di tích lịch sử Đền Hoàng Mười nói: BQL không có một quy định nào nhưng vẫn khuyến khích mọi người tùy tiền biện lễ, không nên lãng phí.
Đi lễ đền, chùa, lễ hội đầu năm là nét đẹp văn hóa, và là tín ngưỡng truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay, hoạt động này đang dần bị biến tướng. Nhiều người đến với đền chùa, lễ hội chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân. Mặt khác, do chưa có một quy định, quy chuẩn nào cho việc soạn lễ, hành lễ, thắp hương nên nhiều hành vi tại các đến chùa đã gây nên sự phản cảm nơi chốn linh thiêng.
Ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng: Việc biến tướng, dùng mâm cao cỗ đầy để mua chuộc thần thánh là không nên, gây sự lãng phí, phản cảm. Nên giành tiền để đóng góp công đức, tu sửa đền, chùa ngày càng khang trang hơn.
Khi ngày càng có nhiều lễ hội văn hóa tâm linh được khôi phục tổ chức thì càng cần hình thành một chuẩn mực cho văn hóa đi lễ đền chùa. Từ đó, vừa gìn giữ những nét đẹp truyền thống vừa thanh lọc những hành vi xấu, để đi lễ đền chùa tồn tại bền vững trong đời sống tâm linh của người Việt.
Tác giả bài viết: An Duyên - Quốc Toàn
Nguồn tin: