Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, trước đây Người Pháp mang cà phê đến Việt Nam. Song gười Sài Gòn đã biến tấu thứ thức uống này bằng cách thêm một ít sữa đặc, tạo nên ly cà phê sữa đá đậm đà, hài hòa đắng - ngọt.
Theo dòng lịch sử, ly cà phê sữa đá dần trở thành bản sắc văn hóa của Sài Gòn.
Ở đây, đi đâu cũng thấy quán cà phê. Người người, nhà nhà yêu thích cà phê, từ quán cóc bên đường hay trong nhà hàng sang trọng, bất kể sáng sớm hay chiều tối đều phục vụ thức uống này.
Mỗi vùng miền có khẩu vị và gu thưởng thức khác nhau, song không ai phủ nhận Sài Gòn chính là thủ phủ cà phê sữa đá.
Khi bóng chiều nhá nhem, các bạn trẻ thích ngồi ở những ban công chung cư cũ, vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa hàn huyên tâm sự chuyện đời, chuyện mình.
Dành nhiều thời gian đi khắp nơi sưu tầm những khoảnh khắc đẹp, nhiếp ảnh gia trẻ Tâm Bùi cho biết ly cà phê sữa đá dường như trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của vùng đất Sài Gòn. "Tôi thường dùng hình ảnh ly cà phê sữa đá để kể cho bạn bè quốc tế nghe về bản chất con người Sài Gòn: Rất đơn giản, hồn nhiên và phóng khoáng nhưng cũng tinh tế, thú vị và ngọt ngào", anh chia sẻ.
Ngày nay cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không còn thời gian để chờ đợi thưởng thức một ly cà phê phin pha sữa đúng chất. Họ đành chọn giải pháp thay thế là cà phê pha sẵn, mang đi hoặc cà phê hòa tan đóng gói.
Sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhấp một ngụm cà phê sẽ thấy người sảng khoái, tỉnh táo hẳn.
Cà phê cũng là chất xúc tác cho những ca khúc viết về Sài Gòn như Sài Gòn cà phê sữa đá.
Bạn bè mỗi khi có dịp gặp gỡ hàn huyên không thể thiếu ly cà phê vừa nhâm nhi vừa tán gẫu.
Mấy chục năm bán cà phê ở vỉa hè, bà cụ cho biết phố xá có nhiều thay đổi nhưng hương vị cà phê vẫn chẳng khác ngày xưa, hòa quyện đắng - ngọt như cuộc đời mỗi con người.
Tác giả bài viết: Thi Trân - Ảnh: Tâm Bùi