Du lịch

Sa Pa: Chợ tình thành “chợ trời”

Đô thị Sa Pa được ghi nhận có trên 110 năm tuổi. Tuy chợ tình Sa Pa chưa rõ thâm niên nhưng danh thơm đã lan tỏa khắp vùng Tây Bắc. Ngày nay, nhờ công nghệ thông tin phát triển, đất nước hội nhập, chợ tình Sa Pa thu hút sự mến mộ ngày càng nhiều của du khách trong nước và quốc tế.

Chợ tình Sa Pa nổi tiếng, thu hút du khách gần xa từ nhiều năm qua. (Ảnh: Internet)


Sa Pa tuy không phải là trấn lỵ của tỉnh Lào Cai nhưng lại là nơi quần cư của đồng bào thiểu số vùng Tây Bắc. Là một bản đông dân, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, tiện đường giao thông nên Sa Pa sớm hình thành thị trấn, thị tứ và một trung tâm thương mại lớn (chợ Sa Pa).

Thị trấn Sa Pa phát triển sầm uất. (Ảnh: Internet)


Chợ Sa Pa họp theo phiên. Dân bản lân cận đến chợ mua bán phải mất cả ngày đường, thậm chí còn hơn nữa. Nhân lúc rảnh rỗi, họ tụ tập ở một vạt đất bằng phẳng vui chơi, đàn hát, ăn uống tập thể. Nam nữ tự do giao lưu, kết bầu kết bạn, nhiều đôi nên vợ nên chồng. Đây còn là nơi hò hẹn của trai làng, gái bản phải mặt mà không thành đôi vì lễ giáo phong kiến, vì cha mẹ áp đặt. Họ vụng trộm trao gửi cho nhau những điều thầm kín, từ đó người địa phương gọi là chợ tình Sa Pa.

Chợ tình Sa Pa là nét đẹp văn hóa đặc sắc ở vùng Tây Bắc, bao năm hấp dẫn du khách, nay hình hài bị biến dạng, không còn giữ được bản sắc. Phần vì nó không còn là nhịp cầu kết bầu kết bạn, vì đường sá bây giờ giao thông thuận tiện, xe máy thay ngựa thồ, dân bản không phải dựng ô lưu trú ngoài rừng. Phần vì chính quyền cơ sở “có tích không dịch nên trò”, chưa phát huy được giá trị văn hóa cổ, phù hợp với thời đại, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, còn bộc lộ mặt yếu trong công tác quản lý văn hóa đô thị. Chợ tình Sa Pa đã bị biến tướng, nạn cò mồi, bán hàng rong, đeo bám khách rất phiền hà.

Hè phố “thoái vị”, nhường ngôi cho gian hàng thổ cẩm “dã ngoại”.

Gái bản bỏ nương rẫy lên phố bán hàng rong.


Một chiếc xe chở khách du lịch vừa đỗ, hàng chục người cả già lẫn trẻ xớn xác kéo đến, người ngợm treo lỉnh kỉnh hàng tạp hóa và nông sản thực phẩm. Nhìn đám người nhếch nhác, vết bẩn trên áo loang quầng. Trẻ em thì chân đất, dãi rớt vắt mang tai.

Một vị khách phương Tây lắc đầu, khoa tay như ra hiệu đuổi gà. Một đội quân từ khe bản, bỏ nương rẫy, lên phố tiếp thị, đứng ngồi ngả nghiêng ở trung tâm đô thị, trông như chợ lao động mà đài đã nói, báo đã đăng. Một cửa hàng trên thềm cao, năm bảy khách phương Tây ngồi ăn uống. Phía dưới, năm bảy dân ta “chầu hẫu”, chả hiểu tiếp thị hay làm gì... Nhìn cảnh đó thấy se lòng.

Khách phương Tây ngồi ăn uống, dăm bảy người địa phương “chầu chực” là thực cảnh buồn tại Sa Pa.

Đeo bán khách du lịch mời chào mua hàng đang là vấn nạn ở Sa Pa.

Người mẹ trẻ ẵm 3 con nhỏ đi bán hàng rong. Những món hàng rao bán trên tay, lãi không đủ mua bắp ngô.


Tối đến phường hát tranh giành đất “diễu võ” như kiểu gánh xẩm miền xuôi ngày xưa tranh nhau địa hạt. Người địa phương, người dưới xuôi hùa hùa hóa trang y phục, lập đội khèn mông làm kinh tế. Kẻ nhảy múa, kẻ ngả nón xin tiền... Còn đâu nữa tiếng khèn gọi bạn, cung nhạc nỗi lòng, nét đẹp văn hóa ngàn xưa đã mất. Chợ tình Sa Pa nay biến thành “chợ trời”.

Chợ tình Sa Pa biến thành “chợ trời”.


Sa Pa hạn chế quảng bá du lịch ra bên ngoài, còn như “bế quan tỏa cảng”. Khi phóng viên Báo Xây dựng điện thoại gặp Trưởng phòng Văn hóa huyện, đã tự giới thiệu rằng chuyến công tác này đã báo cáo với Chủ tịch UBND huyện, cần nắm được số liệu năm ngoái tỷ lệ khách du lịch người nước ngoài đến Sa Pa là bao nhiêu, chỉ vẻn vẹn có vậy, không hề chạm đến bí mật an ninh-kinh tế của địa phương, nhưng vị Trưởng phòng quản lý chuyên ngành lại trả lời rằng, không được phép phát ngôn. Sa Pa đã bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch từ kênh nhân dân.

Ngành du lịch Sa Pa đang phát triển nhanh, từ 60.000 lượt khách/năm vào năm 2002; năm 2015 nâng lên 1 triệu lượt khách/năm, nhưng công tác quản lý văn hóa đô thị còn bất cập. Tỉnh Lao Cai nên chăng tăng cường chỉ đạo địa khu du lịch này hơn nữa?!

Tác giả bài viết: Vũ Phong Cầm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP