Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng từ năm 2022, dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 8, Quốc hội khoá XV trong tháng 11/2024.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đề xuất quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp.
Ngoài ra, nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập; dạy tiếng dân tộc thiểu số; dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số hỗ trợ khác.
Như vậy dự thảo luật đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Điều chỉnh này được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo này hôm 8/10.
Trước đó, Bộ đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, việc này xuất phát từ nguyện vọng chung của đội ngũ nhà giáo, tương đồng với một số ngành có tính chất đặc thù, như cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang. Bộ mong muốn Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo những chính sách mới, giúp giáo viên yên tâm công tác, thu hút được người giỏi vào ngành.
Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận.
Tác giả: Minh Trang
Nguồn tin: baophapluat.vn