Du lịch

Rùng mình với nơi uống trà, cà phê “chỉ có ở Việt Nam”

Nhiều du khách thích thú khi ngồi ngay tại đường ray xe lửa để uống cà phê mặc cho những nguy hiểm rình rập và tai nạn có thể đến bất kì lúc nào.

Các hoạt động tại hai bên đường ray tàu hỏa, đoạn Trần Phú - Phùng Hưng. Ảnh: Thu Phương

Biến hành lang đường sắt thành điểm bán cà phê

Từ trước đến nay, đoạn đường sắt từ phố Điện Biên Phủ tới đầu phố Phùng Hưng(Hà Nội) đã trở thành một điểm đến thú vị dành cho giới trẻ và du khách bốn phương. Nơi đây được coi là một trong những địa điểm cổ kính, thơ mộng bậc nhất Hà Nội. Hàng loạt quán cà phê mọc lên ngay cạnh đường ray tàu thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Du khách ngày một đông, nhiều quán cà phê kê bàn ghế ngay bên đường tàu trước giờ tàu chạy. Hành vi này được coi là lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Điều đáng nói là chưa có những thông báo hay biển cảnh báo nguy hiểm dành cho du khách nước ngoài, mà chỉ có sự nhắc nhở của các chủ quán đối với khách mỗi khi tàu sắp đến.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, nằm cách đường ray chỉ khoảng 1m là những quán cà phê nhỏ gọn. Mỗi bộ bàn ghế ngồi uống cà phê được bày ra bên hiên quán, chỉ cách đường ray tàu chạy vừa đủ khoảng cách an toàn tối thiểu. Để tránh những tai nạn đáng có, những tấm biển ghi lịch trình và thời gian tàu chạy qua bằng tiếng Anh và tiếng Việt được treo trong mỗi quán. Khi chưa có tàu chạy qua là hình ảnh du khách và giới trẻ tranh thủ tạo hình, check-in và lưu lại những tấm hình kỷ niệm ở giữa đường ray tàu. Thậm chí, có người còn tạo hình bằng những động tác yoga…

Có thể nói, các điểm cà phê cách đường ray tàu hỏa chỉ khoảng 1m là nơi “hiếm có, khó tìm” với du khách. Đặc biệt, giữa khung cảnh hai bên là nhà dân tấp nập, đông đúc. Không ít du khách nước ngoài gọi nơi đây là “nơi độc nhất vô nhị trên thế giới”, hay là “chỉ có tại Việt Nam” để miêu tả về cảnh tượng độc, lạ này.

Bạn Nguyễn Hoài Anh (19 tuổi, đang theo học tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội) cho hay: “Tôi thích sự dân dã và hoài cổ nên tôi thường xuyên cùng bạn bè đến đây vào mỗi dịp cuối tuần. Chúng tôi có mặt ở đây vừa uống nước, vừa có thể chụp ảnh và tìm ra những khung hình đẹp cho riêng mình. Nhất là khi có tàu chạy qua. Mặc dù có sự nguy hiểm, nhưng các chủ quán cà phê đều treo biển có ghi rõ thời gian tàu chạy và chủ quán cũng thường xuyền nhắc nhở khách hàng mỗi khi có tàu sắp chạy qua, nên chúng tôi thấy hoàn toàn không có sự nguy hiểm, thậm chí còn thấy thú vị khi mong ngóng những chuyến tàu chuẩn bị đi ngang qua đây”(?).

Cũng theo Hoài Anh, check-in ở những địa điểm có đường ray tàu rất đặc biệt là khi lên hình, đường ray tàu hỏa kéo dài làm nên bức ảnh có chiều sâu, kèm theo những chiếc ghế bên cạnh, tạo nên những tấm ảnh dân dã và gần gũi. Có thể nói, đây là nét rất riêng, chỉ có ở Hà Nội.

Bà Ngân, một chủ quán cà phê tại đây cho biết: “Tôi đã trải qua một thanh xuân sinh sống tại đây nên không chỉ tôi, mà tất cả những gia đình sinh sống ở hai bên đường ray đều quá quen thuộc với tiếng ồn ào mỗi khi tàu chạy qua. Hơn nữa, khu vực này là gần ga Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 6 chuyến đi và về, tàu chuẩn bị vào ga thì đương nhiên phải di chuyển với tốc độ chậm, nên tất cả những sinh hoạt ở đây, có thể nói là đều tự nhiên và bình tĩnh. Còn đối với khách hàng, họ không phải là người dân ở đây thì mỗi khi chuẩn bị có tàu chạy qua, chúng tôi thông báo hoặc yêu cầu khách hàng của mình giữ khoảng cách an toàn với tàu”.

Quá mạo hiểm

Du khách và giới trẻ háo hức khi tàu chạy qua.

Cứ hễ có tiếng thông báo của chủ quán là “có tàu chạy qua”, hay nghe tiếng còi tàu hú từ đằng xa, những vị khách có mặt tại đây lại cùng hướng mắt về đằng xa, chờ chiêm ngưỡng tàu di chuyển. Còn những vị khách ngồi trong quán lại được dịp ngó đầu ra xem chuyến tàu đi ngang có gì đặt biệt. Có thể nói, hân hoan và tò mò là điều khiến du khách thích thú mỗi khi có tàu chạy qua. Tuy nhiên, hình ảnh khách hàng ngồi thong dong thưởng thức đồ uống bên cạnh đường ray chưa đầy 1m khiến không ít người rùng mình.

Ông Nguyễn Văn Tạo (52 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi nhận thấy, du khách mỗi ngày một đông, nhiều quán cà phê kê bàn ghế ngay bên đường tàu trước giờ tàu chạy. Hành vi này được coi là lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, vi phạm bảo vệ công trình đường sắt.

Điều đáng nói là chưa có những thông báo hay biển cảnh báo nguy hiểm dành cho du khách nước ngoài, mà chỉ có sự nhắc nhở của các chủ quán mỗi khi tàu sắp đến, nên tôi cho rằng, việc bất chấp tính mạng để kinh doanh và cho du khách ngồi uống cà phê ngay tại đường ray xe lửa là cực kỳ nguy hiểm. Nếu chẳng may có tàu chạy qua và không để ý thì sẽ ra sao? Khi xảy ra tai nạn thì ai là người chịu trách nhiệm?”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng (56 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Dù biết rằng người dân cũng vì kế sinh nhai nên có cung ắt có cầu. Khách đến đa phần đều là khách nước ngoài và giới trẻ, họ thích được nhìn tàu chạy ngay qua trước mắt. Mỗi khi tàu gần đến, mọi người cùng nhau hô hoán nhau dọn bàn ghế và đứng nép vào hiên nhà. Có nguy hiểm nhưng có khi mình nói, khách nước ngoài người ta không hiểu mình nói gì. Việc này rất cần có biển báo nguy hiểm bằng 2 thứ tiếng đặt tại khu vực mỗi quán, để tránh những nguy hiểm không đáng có”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần có những động thái dứt khoát đối với hành vi bất chấp sự an nguy của du khách, ngang nhiên chiếm dụng không gian an toàn của đường sắt để kinh doanh. Đây là khu vực cổ kính, thơ mộng - bộ mặt của của Hà Nội có nhiều du khách nước ngoài đến thăm nên việc chấn chỉnh những sai phạm nói trên là hết sức cần thiết.

Tác giả: Bảo Loan – Thu Phương

Nguồn tin: giadinh.net.vn

  Từ khóa: uống trà , cà phê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP