Lễ hội được tổ chức trong 03 ngày 16,17,18/02/2017 tức ngày 20,21,22 tháng giêng âm lịch. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất và sẵn sàng chờ đón du khách thập phương đến trẩy hội.
Chuẩn bị vật liệu tham gia cắm trại tại Hang Bua
Tại xã Châu Tiến đơn vị sở tại, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã hoàn tất. Xã đã huy động đoàn thanh niên dọn dẹp, phát quang khu vực Hang Bua diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó trên các trục đường chính của xã cũng đã được treo các băng rôn khẩu hiệu đón chào bạn bè và du khách gần xa. Ngoài ra, xã Châu Tiến còn thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho các nội dung của lễ hội như làm trại, tập văn nghệ, luyện tập các môn thể thao. Năm nay xã Châu Tiến có gần 100 vận động viên, diễn viên và các nghệ nhân tham gia ở 9 nội dung như bóng chuyền, đẩy gậy, cà kheo, khắc luống, văn nghệ, hát nhuôn...
Đội văn nghệ xã Châu Thuận tập luyện văn nghệ tham gia chào mừng lễ hội Hang Bua
Còn tại xã Châu Thuận, mọi hoạt động cũng đã sẵn sàng cho lễ hội Hang xuân Đinh Dậu năm 2017. Tranh thủ sau những giờ lao động mệt nhọc, đội văn nghệ của xã gồm có 12 người có tuổi đời từ 18 đến 30 đã được tuyển chọn từ các xóm bản, lại tụ tập tại hội trường của xã để luyện tập văn nghệ. Nhìn các chị uyển chuyển, thướt tha theo từng điệu múa trên sân khấu không ai nghĩ đấy là những người phụ nữ chân lấm tay bùn, lam lũ với ruộng đồng, bếp núc. Ở một địa điểm khác, các thành viên tham gia các môn thể thao như đẩy gậy, kéo co cũng đang miệt mài luyện tập với hy vọng đem thành tích cao về cho xã. Ngoài ra, xã Châu Thuận cũng đã phân công các thành viên trong UB xã sau những giờ hành chính tranh thủ làm khung trại và trang trí trại đẹp.
Lễ hội Hang Bua năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày 20, 21, 22 tháng giêng âm lịch, tức ngày 16,17,18 tháng 2 dương lịch. Khác với mọi năm, năm nay không trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên các cơ quan sẽ khó khăn hơn trong công tác chuẩn bị cắm trại và vận chuyển các nguyên vật liệu phục vụ cho lễ hội. Chính vì vậy, ban tổ chức lễ hội đã lên kế hoạch chu đáo, động viên các cơ quan, đơn vị tham gia đầy đủ. Chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình văn hoá, văn nghệ mang tính chuyên nghiệp và đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc. Ngoài các cuộc thi truyền thống như nhảy sạp, thi văn hoá ẩm thực, thi thêu dệt, thi người đẹp, du khách đến với lễ hội Hang Bua sẽ được tham gia các trò chơi dân gian của đồng bào Thái như chơi tò mạc lè, đi cà kheo, bắn nỏ, ném còn, nhảy sạp và khắc luống. Đặc biệt năm nay, huyện Quỳ Châu đã đầu tư xây dựng đền thờ Mường chiêng ngam, kết cấu ngôi đền bằng gỗ lim, kiến trúc xây dựng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận. Bên cạnh đó huyện cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hoá lễ hội, kêu gọi sự tham gia đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân, đồng thời treo các băng rôn khẩu hiệu trên các trục đường chính diễn ra lễ hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống.
Đến với lễ hội Hang Bua năm nay, du khách không chỉ được hoà mình vào không khí vui tươi, rộn ràng cùng đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu mà còn được tham quan các danh thắng của Quỳ Châu như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, Thác Đũa...Hi vọng rằng, với công tác chuẩn bị chu đáo của huyện Quỳ Châu, lễ hội Hang Bua xuân Đinh Dậu sẽ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung./.
Tác giả bài viết: Lê Hoàn (Đài TT-TH Quỳ Châu)
Nguồn tin: