Trong nước

Quốc hội họp bất thường vào tháng 1/2023 để bàn về nội dung gì?

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, ngày 21/12, UBTVQH tiến hành rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Trình bày báo cáo rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tại phiên họp thứ 17 và 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định một số nội dung:

Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);

Quang cảnh phiên họp.

Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược;

Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).

Theo ông Bùi Văn Cường, đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý: Do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu chính thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến; do đó chưa có cơ sở để trình Quốc hội xem xét nội dung này tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Về dự kiến chương trình kỳ họp, tại phiên họp thứ 17 (tháng 11/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tuần đầu của tháng 1/2023.

Ông Bùi Văn Cường cũng khẳng định, do việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nên kỳ họp cần phải được tiến hành khẩn trương, tập trung cao độ để kết thúc sớm, tạo điều kiện cho các cơ quan, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cũng như triển khai các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên Đán Quý Mão.

Theo đó, dự kiến kỳ họp khai mạc vào thứ Năm, ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều thứ Hai, ngày 9/01/2023. Quốc hội làm việc 4 ngày, dự phòng 1 ngày.

Về hình thức họp, căn cứ nội dung dự kiến và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 17, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất phương án tổ chức kỳ họp theo hình thức tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng báo cáo về các điều kiện bảo đảm cho kỳ họp như: tài liệu, hoạt động tiếp xúc cử tri, các điều kiện bảo đảm khác…

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian tổ chức Kỳ họp bất thường là ngay sau Tết dương lịch, trước Tết âm lịch, cần thông báo sớm thời gian để các đại biểu sớm sắp xếp thời gian tham dự đầy đủ nhất.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên trù bị sẽ rút ngắn thời gian (khoảng 30 phút), phiên khai mạc dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 8h30 sáng. Sắp xếp lại theo thứ tự quan trọng, theo đó nội dung về quy hoạch tổng thể Quốc gia đầu tiên, sau đó xem xét Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các nội dung khác trong buổi sáng sang phiên khai mạc.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, chiều 7/1, dự kiến xoay quanh nội dung tài chính, ngân sách thì sẽ không có nhiều ý kiến. Do vậy có thể thảo luận tại đoàn, sau đó gửi UBTVQH báo cáo tiếp thu, giải trình. Sáng thứ 2 sẽ đọc báo cáo tiếp thu, giải trình và tiến hành bỏ phiếu hay tiến hành các quy trình như vậy sẽ phù hợp.

Về tài liệu và triệu tập, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, chậm nhất là ngày 28/12 gửi tài liệu và triệu tập cho các đại biểu Quốc hội.

Về báo cáo cấp có thẩm quyền, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ phải gửi trước ngày 27/12 và đưa nội dung này vào ngày họp của Bộ Chính trị thì mới kịp tiến độ. Do đó, Ủy ban Pháp luật phải chuẩn bị sớm các nội dung để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục kiểm tra, xét nghiệm Covid-19 các đại biểu và công chức, viên chức, các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội để đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ họp này.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn/

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP