Giáo dục

Quảng Nam canh cánh nỗi lo thiếu 1.240 giáo viên trước năm học mới

Lúng túng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường học theo tinh thần của chính sách mới khiến Quảng Nam dù đang thiếu giáo viên trầm trọng nhưng cũng khó có thể tuyển thêm mới.

Thiếu trầm trọng... nhưng tuyển không đủ

Theo thống kê chưa chính thức của UBND tỉnh Quảng Nam thì địa phương này đang thiếu khoảng 1.240 giáo viên các cấp học để chuẩn bị cho năm học mới 2018- 2019.

Thống kê cũng phân loại rõ, ở cấp học mầm non, tỉnh Quảng Nam thiếu 391 giáo viên, ở cấp tiểu học địa phương cũng thiếu 573 giáo viên, ở cấp THCS thì thiếu khoảng 276 giáo viên...

Tính theo địa giới hành chính, huyện Thăng Bình thiếu 164 giáo viên, huyện Đại Lộc thiếu 153 giáo viên, huyện Duy Xuyên thiếu 122 giáo viên, còn lại nằm rãi rác ở các huyện như Núi Thành, Nam Giang,...

Công tác giáo dục ở tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của hiện tượng này được ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam chỉ ra rằng, do số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi năm nay tăng mạnh. Cùng với đó, một số giáo viên chuyển đơn vị công tác.

Đáng kể nhất phải tính đến số lượng giáo viên dạy hợp đồng (nhiều năm qua) sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục (đợt cuối năm 2017) không trúng tuyển đã xin nghỉ việc...

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo sở Nội vụ, sở GD-ĐT thống kê, trình phương án tuyển dụng. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục ở các bậc với hàng ngàn thí sinh tham dự. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng thì số lượng thí sinh trúng tuyển là rất thấp. Cụ thể, vào đợt 1 (tháng 2/2017) chỉ có 304 thí sinh trúng tuyển, đợt 2 (tháng 12/ 2017) con số này tăng lên có 1.011 thí sinh trúng tuyển.

Nhiều vướng mắc

Sau mỗi kỳ thi như trên, hàng chục, hàng trăm thí sinh (là giáo viên thuộc diện giảng dạy hợp đồng -PV) đều "khóc ròng" vì đa phần trượt kỳ thi. Họ đã phản ánh lên các cơ quan chức năng rằng việc để họ "xét tuyển cạnh tranh" với thế hệ trẻ mới ra trường là không công bằng. Theo số giáo viên này, họ là những người giảng dạy hợp đồng, cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục thì nên có cơ chế "đặc cách"?!

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong 1 lần làm việc với sở GD-ĐT tỉnh này.

Theo sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, tổng số biên chế ngành giáo dục của tỉnh là hơn 24.000 biên chế, trong đó các huyện, thị là hơn 22.000 biên chế. Và hầu hết các địa phương vẫn chưa sử dụng hết chỉ tiêu giáo viên được phân bổ theo đúng quy định.

Lý giải thêm về hiện tượng này, sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện các địa phương của tỉnh Quảng Nam đang gặp lúng túng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường học theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Cùng với đó, ngành giáo dục mỗi địa phương cũng đang đợi bộ GD-ĐT triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều sự thay đổi về cơ cấu môn học.

Sau những sắp xếp này được thực hiện, tổng quan số lượng giáo viên sẽ thiếu trong thực tế sẽ thay đổi rất nhiều. Quảng Nam sẽ căn cứ vào đó để có phương án thi tuyển giáo viên phù hợp nhất.

Giải pháp thời vụ?

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, UBND tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu cơ chế đặc thù ký hợp đồng ngắn hạn, thời vụ để giải quyết việc thiếu giáo viên ở các trường trong năm học 2018- 2019. Việc này phải được thực hiện trước tháng 7/2018. Về lâu dài, sẽ xem xét giao cho các huyện, thị chủ động trong việc tổ chức thi tuyển giáo viên phù hợp với nhu cầu của địa phương, tránh xảy ra tình trạng như hiện nay.

Tác giả: Lê Nhâm Thân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP