|
“Thực ra với 3 ngàn đồng không thấm thía vào đâu. Chi phí để quán cơm tồn tại là do huy động từ các nhà hảo tâm, các thành viên trong hội thì bỏ công sức đi chợ, nấu nướng và phục vụ. Việc thu 3 ngàn đồng/suất chỉ là để mọi người không có cảm giác ngại vì không trả tiền” - chị Nguyễn Thị Như Ngọc, Chủ nhiệm CLB Hội người Quảng Nam, chia sẻ.
Hơn 11 giờ trưa, nhiều người có mặt ở 74 Hùng Vương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Người đi xe đạp, người đi bộ trên tay còn nguyên xấp vé số hoặc trong bộ áo quần lao động lem luốc ghé quán ăn trưa. Quán được bày bán ngay dưới những gốc cây to. Những bạn trẻ trong màu áo xanh đon đả mời khách.
Trên tay còn tập vé số, quệt mồ hôi nhễ nhại trên trán bà Nguyễn Thị Bửu (63 tuổi, ở Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam) dốc cạn ly trà đá vừa được bạn trẻ rót mời. Bà Bửu cho hay, bà bán vé số nhiều năm nay. Mỗi ngày, bà kiếm được khoảng vài chục đến 100 ngàn đồng. Tiền thuê trọ mỗi tháng 3 trăm ngàn đồng, còn tiền ăn rẻ mỗi ngày cũng hết 30 ngàn đồng. Từ ngày quán cơm 3 ngàn đồng mở, những người “trong nghề” truyền tai nhau thường xuyên ghé quán để tiết kiệm hơn. “Cơm ở đây chỉ có 3 ngàn đồng/suất nhưng đầy đủ các món, ăn rất ngon, lại còn có đồ tráng miệng, nước uống miễn phí. Hơn nữa các cháu ở đây cũng rất niềm nở, nhiệt tình” - bà Bửu chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Như Ngọc cho hay, mỗi ngày quán phục vụ 150 suất, trong đó 50 suất được phát tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Với ý nghĩa nhân văn nhằm chia sẻ vất vả với người nghèo, quán được rất nhiều người tham gia ủng hộ. Không chỉ các bạn trẻ, nhiều cô bác lớn tuổi, nghỉ hưu cũng đến bếp giúp nhặt rau, nấu đồ ăn. Người ủng hộ gạo, người cho tiền. Sáng nay, một cô mới mang tới quán mấy hũ mắm tép tự tay làm nữa. Cả mặt bằng quán cũng được cho mượn
miễn phí.
Ngoài quán cơm, các bạn trẻ cũng đặt tủ quần áo miễn phí “ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến nhận” được đặt ngay cạnh quán. Những người nghèo có nhu cầu sẽ được lựa chọn đồ miễn phí.
Trên tay 2 bộ đồ vừa lựa từ tủ đồ miễn phí, bà Lựu tỏ ra vui vẻ bởi cuối tuần này về thăm nhà có quà cho đứa cháu nội. Bà cũng chọn được cho mình một bộ đồ mặc ở nhà. “Cuộc sống vất vả nên với những tấm lòng nhân văn của các bạn trẻ thế này khiến những người nghèo như chúng tôi thực sự cảm thấy rất ấm lòng” - bà Lựu nói.
Chị Nguyễn Thị Như Ngọc cho hay, mỗi ngày quán phục vụ 150 suất, trong đó 50 suất được phát tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Với ý nghĩa nhân văn nhằm chia sẻ vất vả với người nghèo, quán được rất nhiều người tham gia ủng hộ. |
Tác giả: HOÀI VĂN
Nguồn tin: Báo Tiền phong