Với xe cà phê cùng những chiếc ghế nhựa, gian nhà nhỏ ở đầu hẻm 330, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), luôn đông đúc dù sớm nắng hay chiều muộn. Chủ quán - ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi) được khách quen gọi với cái tên thân thương là ông Ba và bà Ba.
Nép mình ở đầu con hẻm 330, nơi đây vẫn “tĩnh lặng” giữa những âm thanh nhộn nhịp của con đường Phan Đình Phùng. Ảnh: Hoài Anh
Ly cà phê vợt với công thức gia truyền
Theo lời kể của ông Ba, xe cà phê này trước đây là của ba ông và nó có từ thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng hương vị cà phê độc đáo này vẫn được gìn giữ nhờ cách pha chế do người cha của ông truyền lại.
Ông Ba chia sẻ, cà phê ở đây được lấy từ những chỗ quen lâu năm, đem về tự rang rồi xay theo công thức riêng. Dù khách có đông nhưng ông bà luôn tỉ mỉ pha từng ly không bỏ sót một công đoạn nào. Chiếc vợt được nhúng vào nước sôi để vệ sinh, sau đó cho vào một lượng vừa đủ bột cà phê đã xay, kế đến đổ nước sôi vào chờ cho nở rồi nhúng thêm vài lần nữa mới bỏ vào chiếc ca bằng nhôm để sẵn. Cà phê nhờ đó mà có màu đen đậm, tỏa mùi thơm nức.
Đối với cà phê vợt, lửa là yếu tố rất quan trọng để giữ được hương vị đặc trưng. Chính vì vậy, cứ 10 - 15 phút ông Ba lại cúi xuống canh lại bếp than phía dưới. Dù tuổi đã lớn, nhưng “đứng lên ngồi xuống thế này mới thấy khỏe”, ông vui cười nói.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà ông bà sẽ pha theo. Có người thích uống nhiều đường vì không chịu được vị đắng của cà phê. Có người thích ít đường để cảm nhận vị cà phê đúng điệu, người khác lại thích cho thêm chút sữa. Giá một ly cà phê chỉ 15.000 đồng đổ lại mà không kém kỳ công.
Ly cà phê vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng có mùi thơm lâu. Điều đặc biệt là vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm của từng giọt cà phê ấy vẫn để lại hương vị sau khi uống. Ảnh: Phong Vinh
Một góc cà phê hoài niệm
Đã nhiều năm trôi qua và dù tuổi đã bước sang tuổi xế chiều, ông bà vẫn tâm huyết duy trì “nếp cà phê” bên cạnh chiếc xe cũ kỹ lúc nào cũng nghi ngút khói. Quán chỉ có vài chiếc bàn gỗ cũ đặt gần xe, còn lại là ghế nhựa để khách ngồi dựa sát tường trải dọc theo con hẻm. Ngoài ông bà ra, quán còn có vài người con cháu phụ giúp, thậm chí bác giữ xe cũng tranh thủ phụ bưng bê mỗi khi đông khách. Mỗi người một việc, cứ thế xoay vòng phục vụ hết lớp khách này đến lớp khách khác.
Khách ghé quán đến từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Có người làm văn phòng dừng xe mua mang đi, khách trẻ ngồi tại quán để tìm hình ảnh hoài cổ của những người cao tuổi, đôi khi còn có cả người lao động bình thường như anh công nhân quét rác hay bác xe ôm,... Ấy vậy mà không khí ở quán lúc nào cũng rôm rả và thân quen.
Ông Ba luôn cẩn thận và tỉ mỉ cho từng ly cà phê mang đến cho khách. Ảnh: Phong Vinh
Ngồi thưởng thức cà phê, bạn sẽ thấy một bên tường được ông bà treo các bài báo từng viết về quán cùng những tấm ảnh kỷ niệm. Bên chiếc xe đẩy chất đầy các món đồ nghề pha cà phê như: ly tách, ấm trà,..., những vạt khói toả ra từ thùng nước sôi đặt trên bếp than và không thể thiếu chiếc vợt – nơi bắt nguồn cho những hoài niệm của ly cà phê này.
Tác giả bài viết: Phong Vinh