Đường đi phổ biến từ TP.HCM tới Phan Thiết là đi theo Quốc lộ 1, hoặc đường ven biển Kê Gà, La Gi, Phan Thiết. Những bạn hãy thử một con đường khác. Đời có bao lâu đâu, nên đôi khi cứ để mình đi lạc cũng vui.
Trải nghiệm cung đường mới từ Sài Gòn - Phan Thiết sẽ cho bạn nhiều điều thú vị.
Các điểm nhấn
Cánh đồng hoa dại đầy màu sắc trải rộng mênh mông như trong phim cổ tích của Walt Disney. Trong đời mình chưa bao giờ thấy một tấm thảm hoa cỏ rực rỡ và bình yên đến thế.
Cánh đồng hoa chào đón người đi lạc.
Trên đường có rất nhiều mê cung rừng tràm, cánh đồng cỏ lau hoa đỏ, đặc biệt có một con đường cao su thẳng tắp, dài 5 km.
Rất nhiều hồ nước, hồ thủy lợi như hồ Trị An, hồ sông Mống, hồ sông Quao, mấy con kênh xanh xanh và cảnh đồi núi xa xa làm hậu cảnh chụp hình rất chất.
Mấy vườn thanh long bạt ngàn, sáng rực rỡ cả một vùng trời vào ban đêm đến nỗi tắt đèn vẫn thấy đường chạy vô tư.
Con đèo trên QL55B trải nhựa rất đẹp len lỏi giữa rừng rất thú vị.
Nhiều đoạn trải nghiệm qua suối nhẹ nhàng để tập cơ bắp. Sẽ thú vị và gay cấn hơn nữa nếu bạn đi một mình.
Từ Phan Thiết có thể đi lên thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), rẽ trái theo D9T22 (đường An Lâm - Đông Giang) khá hay. Bạn cugnx có thể về 3 xã vùng cao chơi, hoặc ghé hồ Đa Mi, Tà Pao, một loạt thác gần Tánh Linh rồi về lại Sài Gòn mà không phải đổi cung quá xa.
Hướng dẫn cách đi
Hình ảnh minh họa của cung đường.
Từ Sài Gòn, bạn theo đường Phạm Văn Đồng ra QL1K, rồi xuống cầu Hóa An theo TL768, chạy dọc sông Đồng Nai về hồ Trị An. Sau đó tới ngã tư giao TL767, bạn có thể ra hồ chơi và chụp ảnh cũng được, không thì đi thẳng qua ngã tư tiếp tục theo TL762, rẽ trái theo Hương Lộ 24 đi dọc mạn Nam hồ Trị An, điểm cuối nhập vào QL20 ở Gia Tân.
Tiếp theo, các bạn rẽ trái về hướng Đà Lạt hơn 8 km, rồi rẽ phải vào đường Xuân Thành - Suối Cao - Xuân Bác. Sau đó bạn chạy dọc mạn nam sông Đồng Nai (bên kia sông là rừng Gia Canh/Thác Mai), điểm cuối là TL766.
Tiếp theo, các bạn rẽ trái ở ngã ba đi về phía Tà Pứa 10 km, rồi rẽ phải ở bảng nhà máy chế biến cao su Suối Kè. Lúc này bạn hãy cho xe chạy len lỏi giữa rừng cao su đến ấp Bà Tá, rồi theo đường Bà Tá - Gia Huynh - Trà Tân, điểm cuối nhập vào QL55, rẽ trái 5 km đến thị trấn Lạc Tánh rồi rẽ phải vào QL55B.
Bắt đầu đoạn đường QL55B là đoạn đường mình thích nhất, đường rất ít xe, len lỏi giữa rừng. Chất lượng đường cũng tốt nên chạy xe rất thích. Thưởng thức đoạn đường xong rồi các bạn rẽ trái (theo tracklog) để bắt đầu đoạn đường hơi gập gềnh và cũng khá vất vả, đan xen với đường ray xe lửa nhiều lần, len lỏi giữa nhiều rừng tràm, cánh đồng thanh long để ra Ma Lâm.
Từ thị trấn Ma Lâm, bạn có thể rẽ phải về Phan Thiết, hoặc rẽ trái đi 6 km rồi nhập vào đường An Lâm - Đông Giang, leo đèo về lại huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), rồi chơi bời ở mấy thác ở Đa Mi, Tà Pứa, Tà Pao, sau đó về Sài Gòn.
Lưu ý
Nhiều đoạn vắng, rất ít người, và đường xấu nên các bạn hạn chế đi đêm. Trên đường có nhiều trạm xăng. Nam hay nữ đều đi đường này một mình được, nếu không ngại những đoạn đường sình lầy, hay biết tự xử lý vài ca khó.
Đoạn QL55B khá đẹp nhưng các bạn cũng lưu ý tốc độ, không đi nhanh, không ôm cua gắt quá, vì có nhiều đoạn cong khá nguy hiểm.
Nhiều đoạn đường cong, nên các bạn chú ý không đi tốc độ quá cao.
Cung đường
Nếu đi 2 ngày, các bạn nên xuất phát từ TP.HCM sáng thứ 7, tới nơi có hồ nước thì ngủ lại, hoặc ngủ chỗ cánh đồng hoa dại cũng được. Sáng chủ nhật, bạn đi tiếp ra Phan Thiết rồi từ từ đi về.
Nếu đi 3 ngày, bạn nên đi ngày thứ 2, không ra Phan Thiết mà rẽ trái vòng lại Tánh Linh rồi kiếm một con thác để ngủ lại. Hoặc bạn ngủ ở sân bay trực thăng Đa Mi, vừa đón hoàng hôn và cả bình minh, sau đó đi thong thả về Sài Gòn.
Vườn cây thanh long.
Do đường cắt đường ray xe lửa rất nhiều lần, các bạn nhớ mỗi lần qua hãy quan sát trước. Nếu thấy tàu đến sát quá thì nên đợi tàu qua rồi hãy đi tiếp.
Tác giả bài viết: Trần Đặng Đăng Khoa
Nguồn tin: