Cuộc sống

Phụ nữ ơi, hãy tự yêu lấy mình

"...Đàn bà, muốn làm người khác hạnh phúc trước hết phải biết làm cho mình hạnh phúc. Sống trước hết là vì mình, sau đó là vì người đã sinh ra mình, vì người mình đã sinh ra. Vợ chồng, khi yêu thì là tất cả, hết yêu nhau rồi thì không là gì nữa cả. Vợ chồng, một khi đã không còn tình, đã không còn nghĩa, thực chất chỉ là một người dưng ta gặp giữa đời..."

Cô bé tầm mười tuổi, một tay ôm bó cúc vàng tươi, một tay móc vào túi lôi ra tờ tiền mới. Chủ cửa hàng hoa nhìn cô bé mỉm cười: “Bó hoa này là bà tặng mẹ con, bà không lấy tiền, nhé!”. Cô bé khẽ gật đầu rồi nhanh chóng rời đi.

Tôi hỏi: “Cháu gái của bà à?” ,“ Không, con bé ở gần nhà, mẹ nó mất rồi, chị em nó sống với ông ngoại, đáng thương lắm”. Và hôm đó, giữa rực rỡ nhiều loài hoa đang khoe sắc, tôi đã được nghe về số phận của một bông hoa chớm tàn.

Chị lấy chồng năm 25 tuổi, sau một khoảng thời gian dài tranh đấu cho tình yêu. Chồng chị lúc đó là lái xe thuê cho nhà chị. Bố chị mở một doanh nghiệp nhỏ về dịch vụ vận tải, tuy không quá giàu có nhưng ở cái thị trấn này cũng thuộc hàng dư dả. Trong con mắt bố chị, anh ấy cả gia cảnh và học vấn đều thua chị.

Thói đời, mấy cha mẹ nào thắng được con, huống hồ tình yêu mà bị cản ngăn thì chỉ như thêm dầu vào lửa. Chàng trai yêu chị cũng muốn chứng tỏ mình yêu cô gái không phải vì tiền của, nói nếu không được chấp nhận sẽ sẵn sàng đưa cô đến một nơi xa. Trong viễn cảnh anh vẽ ra dĩ nhiên là một khung cảnh sáng tươi về một gia đình đầm ấm.

Người làm cha mẹ, có làm gì cũng là vì thương con. Ông mất vợ sớm, một mình nuôi con, con gái đối với ông không khác nào báu vật. Nhưng ông dù khó khăn đến mấy thấy con sầu não cũng động lòng. Đám cưới của chị được tổ chức ầm ĩ phố huyện ngày đó.

Sau cưới, được gia đình hỗ trợ, anh chị mua được căn nhà riêng. Anh vẫn làm lái xe, nhưng vì là người trong nhà nên lương thưởng có phần ưu ái. Chị sinh con gái đầu lòng, vì sinh khó nên phải mổ. Đứa con chưa đầy tuổi chị đã mang thai đứa thứ hai. Bác sĩ nói chị sinh mổ mà khoảng cách các lần sinh quá dày cũng không tốt. Hơn nữa nếu là sinh thường thì sinh mấy lần cũng được, còn sinh mổ thì chỉ nên dừng lại ở hai đứa. Chồng chị nghe vậy nhất quyết không ưng. Anh là con trai một trong nhà, nếu không sinh được con trai thì nhà anh lấy ai nối dõi?

Đứa thứ hai vừa tròn tuổi, anh đã thủ thỉ nài chị sinh thêm. Bố chị biết chuyện mắng anh không ra gì, nói rằng anh ngày xưa trước mặt ông nguyện thề sẵn sàng làm tất cả vì con gái ông, nay lại chỉ vì muốn đứa con trai mà coi thường sức khỏe và tính mạng vợ mình. Rằng nhà ông không có con trai, chỉ có mỗi mình chị đấy thì có làm sao. Sống mà không yêu thương nhau thì khi chết rồi cần gì có người khóc lóc. Sau lần bị bố vợ “dạy”, anh không đả động gì đến chuyện sinh con. Chị tưởng anh đã hiểu ra rồi càng thêm thương anh, càng thêm cảm kích.

Hai đứa con gái càng lớn càng xinh như tranh vẽ lại ngoan ngoãn thông minh. Chồng thì chăm chỉ làm lụng, đi sớm về khuya. Chị nghĩ thôi đời chị thế cũng là ấm êm rồi, không cần đòi hỏi chi thêm nữa.

Nhưng, có ai học được chữ “ngờ”, như biển thường lặng sóng trước những ngày bão nổi. Một ngày chị vừa đón con ở trường về thấy chồng đang ngồi đợi. Anh đưa cho chị tờ giấy siêu âm thai của một người nào đó rồi nói: “Đó là con trai, là con anh”. Chị còn bàng hoàng chưa kịp tin thì anh đã nói thêm như trời đang mưa có sấm: “Anh muốn thương lượng. Một là em chấp nhận để anh qua lại với cô ấy vì thằng bé. Cô ấy không cần danh phận, chỉ cần anh có trách nhiệm chu cấp nuôi dưỡng thằng bé. Còn nếu như em không thể chấp nhận thì chúng ta ly hôn. Anh thật sự cần một đứa con trai”.

Chị gục ngã thật sự. Một là chịu cảnh chung chồng, hai là chấp nhận mất chồng. Sự lựa chọn nào cũng đớn đau. Nhưng điều đau đớn nhất là chị yêu anh. Và sự phản bội trắng trợn này là quá sức chịu đựng.

Một thời gian dài người ta thấy chị lặng lẽ đi về không cười nói. Bố chị vừa thương vừa giận không kìm nén được lời trách móc “cá không ăn muối cá ươn”. Rồi một sáng kia, nhiều người thấy cô con gái lớn của chị vừa chạy sang nhà ông ngoại vừa khóc. Chị đã chọn cách rời khỏi cuộc đời này bằng rất nhiều thuốc ngủ.

Chị ra đi để lại một người bố cả cuộc đời vì chị mà cố gắng, vì chị mà hy sinh, nay tóc trắng trên đầu khóc thương cho đứa con gái tóc xanh dại khờ nông cạn. Chị ra đi để lại hai đứa con gái, đứa vừa lên tám, đứa vừa tròn bảy như hai con chim non ngơ ngác không hiểu vì sao tổ của mình bỗng chợt xác xơ.

Chồng chị - người đàn ông đó có đau đớn hay hối hận không, không ai biết. Sau hôm anh lặng lẽ cúi đầu đứng bên quan tài vợ vô cùng thiểu não, người ta thấy anh chở một người phụ nữ đang mang bầu hân hoan cười nói. Hình như anh ta cũng không bận tâm lắm vợ mình vì mình mà chết, hai đứa con gái mình về ở với ông ngoại như trẻ mồ côi dù vẫn còn cha. Mà giả sử anh ấy có bận tâm thì cũng để làm gì, người chết thì chết rồi, còn anh ta thì vẫn phải sống.

Bà bán hoa kể xong không nén nổi tiếng thở dài: “Con bé mua hoa lúc nãy là đứa con gái lớn đấy. Nó bảo ngày lễ mua hoa ra mộ tặng mẹ cho mẹ đỡ buồn. Đấy, chết thì mình thiệt thân, con mình khổ chứ kẻ bạc bẽo thì buồn thương chưa quá ba ngày”. Bà nói xong liền buột miệng chửi thề một câu.

Chẳng ai đi trách mãi một người đã chết, dù cho đó là một sự lựa chọn vô cùng dại dột và ích kỉ. Chị ấy thanh thản rồi, bỏ mặc nỗi đau trần thế để tìm về kiếp khác. Chỉ có bố chị ngày một già héo trong nỗi đau. Ông từng là một ông bố đơn thân, nay lại là ông ngoại đơn thân. Người ta nói với nhau như vậy, nếu là một câu nói đùa thì cũng là đùa trong xa xót.

Hai đứa con gái chị bớt nói bớt cười, sớm lặng lẽ ở cái tuổi thiếu niên đáng nhẽ ra hãy còn vô tư và sôi động. Nếu chưa từng bất hạnh trải qua, sẽ không ai hiểu được nỗi mất mát của những đứa trẻ mồ côi. Chúng vẫn phải lớn lên nhưng không có sự chắt chiu âu yếm. Chúng sẽ phải tự lo cho bản thân vì chẳng có mẹ cha để bấu víu nương nhờ. Chúng sẽ cười một mình, khóc một mình, trưởng thành trong nỗi đau. Có những đứa trẻ sẽ vì thế mà mạnh mẽ hơn, cũng có những đứa trẻ sẽ vô cùng bi quan, yếu mềm. Thương lắm!

Là đàn bà, muốn làm người khác hạnh phúc thì trước hết phải biết làm cho mình hạnh phúc. Sống trước hết là vì mình, sau đó là vì người đã sinh ra mình, vì người mình đã sinh ra. Vợ chồng, khi yêu thì là tất cả, hết yêu nhau rồi thì không là gì nữa cả. Vợ chồng, một khi đã không còn tình, đã không còn nghĩa, thực chất chỉ là một người dưng ta gặp giữa đời. Vậy thì hà cớ gì chỉ vì một người dưng mà khiến cho cuộc đời mình tàn úa?

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP