Phật nhảy tường là món ngon nổi tiếng của người Phúc Kiến (Trung Quốc). Nguyên liệu chính của món ăn này là các loại hải sản thượng hạng như hải sâm, vi cá mập, bóng cá, bào ngư, sò điệp..., ngoài ra còn có gân nai, nhân sâm và kỷ tử. Không chỉ bổ dưỡng, món ăn này còn rất đắt đỏ và từng được BBC Travel liệt kê vào danh sách những món ăn đắt giá nhất thế giới.
Tuy nhiên, chính tên gọi của nó cũng đã thu hút rất nhiều du khách tò mò muốn nếm thử. Có rất nhiều câu chuyện truyền miệng xung quanh cái tên "Phật nhảy tường", hay còn gọi là "Phật trèo tường". Theo đầu bếp Xiang, người Trung Quốc của nhà hàng Silk Road (Hà Nội), nơi phục vụ món này, câu chuyện ông được nghe kể về tên gọi “Phật nhảy tường” xuất phát từ miền nam nước này.
Buddha Jumps Over the Wall - món ăn trong thực đơn của nhà hàng ở Anh. Ảnh: BBC
Khi các tướng lĩnh đi hành quân, có dừng chân nghỉ tại một quán ăn ven đường ở vùng hẻo lánh, kế bên một ngôi chùa. Họ kêu chủ quán nấu cho một món canh bổ dưỡng để đi chiến trận. Một lúc lâu sau, khi chủ quán bưng món đó ra, mùi hương thơm lan tỏa khắp phòng, khiến cho các vị tướng cảm thấy rất phấn khích.
Sau khi thưởng thức xong, đi ra trận đánh thắng trở về, các vị đã quay lại tìm quán ăn này và yêu cầu đầu bếp chế biến lại. Đầu bếp đã sáng tạo thêm các hương liệu, nguyên liệu bổ dưỡng. Trong quá trình chế biến, mùi hương thơm lan tỏa ra bên ngoài, khi đó các vị sư chùa kế bên đang tọa thiền, bị mùi hương quyến rũ, bèn rủ nhau trèo lên tường xem đó là mùi hương từ đâu ra, và thế là tên gọi “Phật nhảy tường” từ đó xuất hiện.
Câu chuyện khác lại kể rằng, tại quán ăn ở Phúc Kiến xưa kia, ông chủ đã phục vụ các tú tài đến ngâm thơ một món ăn do chính mình chế biến. Khi vừa mở nắp thố, mùi thơm ngào ngạt bay lên khiến các vị tú tài vỗ tay không ngớt và ngâm rằng:
Đàm khải huân hương phiêu tứ lân/ Phật văn khí thiền khiêu tường lai (Mở nắp vung, mùi thơm bay lừng khắp xóm/ Phật ngửi được, liền bỏ chùa nhảy qua tường chạy đến).
Dù hiểu theo câu chuyện nào, sự hấp dẫn của món Phật nhảy tường với du khách vẫn không hề thay đổi. Khi du nhập vào Việt Nam, các đầu bếp trong nước đã có sự thay đổi nhất định về thành phần và cách chế biến cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Có nơi điều tiết để mùi thuốc bắc không quá nồng như ở phiên bản gốc, nơi lại thêm một số nguyên liệu như thịt heo muối Trung Hoa, thịt gà. Các thành phần chính gồm bào ngư, vi cá mập, hải sâm, bóng cá thì không thể thiếu.
Đầu bếp Xiang bật mí cách chế biến món này. Trước hết phải chế nước dùng "thượng hạng", bỏ nguyên liệu vào nồi, cho nước dùng đặc biệt. Sau đó hấp cách thủy trong vòng 4 giờ.
Món này được bán trong một số nhà hàng Trung Quốc không chỉ ở nước này mà nhiều nơi trên thế giới, với giá từ 103 đến 515 USD, tùy loại.
Tác giả bài viết: Vy An