Xe

Phân khúc SUV 5 + 2 - cuộc cạnh tranh từ những nhân tố mới

Những Honda CR-V, Chevrolet Trailblazer nhập từ Thái Lan, Peugeot 5008 từ châu Âu góp phần khiến phân khúc SUV 5+2 thêm sôi động.

Nhân tố mới khuấy động thị trường

Một năm trước, Toyota Fortuner là cái tên chiếm phần lớn thị phần SUV 5+2 với doanh số lên tới khoảng 2.000 xe mỗi tháng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về chính sách với xe nhập khẩu nên từ cuối 2017, Fortuner vắng bóng trên thị trường, nhường sân chơi cho các nhân tố mới là xe SUV 7 chỗ hoặc 5+2 của các thương hiệu Nhật Bản hay châu Âu.

5008 - mẫu SUV thế hệ mới đang được khách hàng ưa chuộng.

Honda CR-V phiên bản 7 chỗ là cái tên đáng chú ý khi gia nhập thị trường đầu năm 2018. Từng là biểu tượng một thời của phân khúc crossover 5 chỗ giai đoạn 2015, trước sự cạnh tranh quyết liệt của Mazda CX-5, CR-V có sự chuyển hướng táo bạo khi từ sân chơi CUV 5 chỗ truyền thống chuyển sang phân khúc SUV 5+2 từ cuối 2017.

Phiên bản mới được sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, dài hơn phiên bản cũ 4 mm, với nội thất được bố trí lại để chuyển thành 7 chỗ. Ngoài ra, những cải tiến về tiện nghi cũng đáng ghi nhận dù nhiều người còn nghi ngại động cơ 1.5 lần đầu áp dụng tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng.

Bên cạnh đó, một cái tên mới vừa ra mắt những ngày đầu tháng 5 này là Chevrolet Trailblazer - phiên bản phát triển trên nền khung gầm chung với Colorado và được kỳ vọng tạo tiếng vang cho Chevrolet tại Việt Nam.

Các mẫu SUV đến từ Mỹ được đánh giá cao về các tính năng thể thao đặc trưng nhưng thường kém yếu tố thương hiệu so với xe Nhật tại thị trường Việt Nam, do vậy doanh số thường không như kỳ vọng. Việc nhập khẩu hai phiên bản máy dầu cùng các tính năng an toàn trang bị đầy đủ, Chevrolet Trailblazer không che giấu tham vọng khai thác phân khúc SUV động cơ diesel mà Toyota đang bỏ trống.

Các nhân tố mới từ châu Âu

Ở thị trường ôtô Việt Nam gần đây, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển qua lựa chọn phân khúc SUV châu Âu nhờ trang bị nhiều công nghệ an toàn cùng mức giá dễ tiếp cận. Bộ đôi SUV Peugeot 5008 và 3008 thế hệ mới với triết lý i-cockpit mà Peugeot giới thiệu từ tháng 12/2017 bước đầu để lại nhiều ấn tượng. Từ chỗ doanh số bán hàng tháng chỉ ở mức 30-35 xe mỗi tháng, đến nay Peugeot có “một tháng tương đương cả năm” kể từ đầu 2018.

Dòng xe 7 chỗ tiện dụng đang là lựa chọn của nhiều khách hàng.

Trên thị trường thời gian qua, cặp đôi này liên tục trong tình trạng cung không đủ cầu từ thời điểm ra mắt. Riêng doanh số Peugeot 5008 bản 7 chỗ luôn ở mức trên 200 xe mỗi tháng, tương đương với doanh số của Mercedes GLC 250.

Peugeot 5008 dự báo tiếp tục là “át chủ bài” của Peugeot trong tương lai khi đang độc chiếm phân khúc SUV 5+2 nhập khẩu châu Âu tầm giá 1,4 đến dưới 2 tỷ đồng và “cháy hàng” do nhu cầu vượt kế hoạch sản xuất. Đây là phân khúc dự báo không cạnh tranh nhiều với xe Nhật, Mỹ, Hàn do khác biệt về mặt đầu tư công nghệ; đồng thời có sự cách biệt an toàn về giá với các mẫu xe SUV 7 chỗ từ các thương hiệu châu Âu khác.

Mercedes GLC 200 hứa hẹn là nhân tố mới thú vị ở phân khúc.


Mercedes cũng đang có kế hoạch làm nóng phân khúc CUV châu Âu với bản Mercedes GLC 200 dựa trên nền phiên bản GLC 250 kể từ quý III. Phiên bản mới dự kiến đánh đổi một số tính năng trang bị nhằm có mức giá tiệm cận hơn người tiêu dùng. Điều này cho thấy Mercedes cũng muốn đẩy mạnh thị phần phân khúc xe thể thao châu Âu đầy tiềm năng.

Tác giả: Mỹ Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP