Chuyến cao tốc từ Bắc Kinh đưa tôi về thành phố Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) - vùng đất của mỹ nhân và thi nhân như Tây Thi, Văn Chính Minh, Đường Bá Hổ... Hàng Châu đẹp dịu dàng, thong thả, tao nhã như một miền đất thơ còn mang đậm dấu tích vương triều. Khoảnh khắc nhìn những hàng cây bạch quả cuối thu nhuộm vàng khắp cung đường Hàng Châu, tôi biết mình đã phải lòng miền đất này.
Đặc sản của Hàng Châu là… mưa ngâu, nhắc nhớ đây là nơi khởi sinh truyền tích về mối tình Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngày chúng tôi đến, mưa rỉ rả từ sáng đến đêm, nhiệt độ chỉ khoảng 10 độ C. Mưa khiến cho không gian trầm mặc, đường phố được điểm xuyết bằng những chiếc ô nhiều màu sắc của du khách.
Đi giữa Hàng Châu mùa ngô đồng, tôi mới cảm thụ được trọn vẹn nhất giá trị của cổ thi: “Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng tri thu”. Cuối thu, lá ngô đồng rụng đầy lối đi, nhuộm vàng cả Tây Hồ.
Nơi này đã trở thành thi hứng cho biết bao thi nhân Trung Quốc: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị… Độc tiểu thanh ký của đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng được viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc ghé thăm Tây Hồ.
Đến đây, du khách có thể lên thuyền ngoạn cảnh hoặc cũng có thể thong thả đi dạo qua những cây cầu, dọc con đê Bạch (đặt tên nhà thơ Bạch Cư Dị) dài rợp bóng dương liễu và ngô đồng. Tây Hồ còn được ví như là sự hóa thân của nàng Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân xuất thân từ Hàng Châu - vùng đất được xem là “thiên đường nơi hạ giới”, cùng với Cửu Trại Câu của Trung Quốc vào mỗi độ thu về.
Ghé Tây Hồ ngoạn cảnh, thăm miếu Nhạc Phi nghe chuyện về Tần Cối, thưởng thức trà Long Tĩnh… để được thả hồn về với một không gian xưa. Hàng Châu nên thơ lãng mạn nhưng cũng cuồn cuộn trong lòng nó những giai đoạn lịch sử đầy biến động từ thời Nam Tống đến thời nhà Minh. Một ngày ở Hàng Châu, tôi thấy mình như được trở về với những thành quách cũ.
Một trong những điểm tham quan khách không thể bỏ qua là Tống Thành. Nơi này cho chúng tôi một lần trở về với ngàn năm Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng Tống Thành để quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa.
Giá vé vào Tống Thành là 350 tệ (tương đương 1,2 triệu đồng) bao gồm tham quan, vui chơi, ăn uống, thưởng thức các chương trình tái dựng ném tú cầu, xử án… và show diễn nổi tiếng về lịch sử Hàng Châu do đạo diễn Trương Nghệ Mưu cố vấn dàn dựng. Người Trung Quốc có câu “Một ngày ở Tống Thành như về lại ngàn năm trước”
Nơi này mỗi ngày đều đón du khách thập phương nườm nượp đổ về. Lưu Kiến An, hướng dẫn viên người Việt gốc Hoa nói rằng, hầu như tour du lịch nào về Hàng Châu, du khách cũng mong đợi được đến Tống Thành - dù vé vào cổng phải tự túc, không bao gồm trong giá tour của các công ty du lịch.
Bước qua cổng soát vé với nhân viên kiểm vé là những thiếu nữ xinh xắn trong trang phục cổ, Tống Thành hiện ra như một bối cảnh phim hoành tráng. Có thành quách, hoa viên, tửu lầu… cùng sự xuất hiện của các nhân vật quen thuộc trong phim: Võ Đại Lang bán bánh bao, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, thỉnh thoảng lại có quan lính oai phong cưỡi ngựa đi tuần… Tất cả nhân viên trong Tống Thành đều mặc trang phục cổ trang, phong thái phục vụ hệt như các nhân vật trong lịch sử.
Đến cả người trông gian hàng chơi bắn cung tên cũng ra dáng kiếm khách hay cô gái ngồi bán tinh dầu nép mình trong chiếc áo choàng cung đình họa tiết tinh tế… Đêm chúng tôi đến Tống Thành, Hàng Châu vẫn đẫm mưa ngâu nhưng không ngăn được bước chân khám phá đầy hào hứng của hàng ngàn du khách.
Người bạn cùng đoàn kể có lần dừng xem cảnh tái dựng ném tú cầu kén chồng của công chúa xưa, anh cũng bắt được quả tú cầu và được mời lên lễ đài, cho mặc trang phục tân lang cùng thực hiện nghi lễ “phu thê giao bái”.
Tống Thành luôn biết cách để lại dấu ấn khó quên với du khách. Ai thích trở thành kiếm khách sẽ có trò chơi cho “kiếm khách”, ai thích thành công chúa hoàng hậu cũng có thể hóa thân. Thích ngắm trộm nàng Tây Thi tắm cũng có luôn gian phòng 3D, thích ghé... lầu xanh cũng sẽ có cơ hội nhìn ngắm những nàng mỹ nữ.
Nhưng điều ấn tượng bậc nhất chính là show diễn tái hiện lịch sử Hàng Châu - một chương trình luôn được du khách nhận xét là “không thể tin được”. Sân khấu không rộng hơn Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), nhưng đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã cho mang lên đó không chỉ những tiết mục múa, xiếc hoành tráng mà còn tạo được cảnh chiến trường, bắn đại bác, đu dây, phi thân, ngựa, xe pháo, nước mưa, dòng sông, cầu Ô Thước… Cùng với hiệu ứng 3D, các tiết mục vô cùng hoành tráng và liên tục mang đến yếu tố bất ngờ. Chương trình dài hơn một giờ với bốn màn trình diễn đặc sắc, liên tục nhận được những tràng vỗ tay kéo dài từ 3.000 khán giả.
Hàng Châu của cảnh đẹp, mưa ngâu trữ tình; của những điển tích, những câu chuyện tình kinh điển và cả không gian ngàn năm khiến lòng tôi cứ lưu luyến mãi, muốn trở lại để thêm một lần nữa được che ô bước qua những cây cầu Ô Thước trong mưa ngâu mà vương vấn ngô đồng…
Tác giả bài viết: Lam Kha