Trong nước

Nóng 40 độ, bảo vệ dọa cắt lương bác sỹ để bệnh nhân bật điều hòa?

Nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, nhưng các bệnh nhân trong viện vẫn không được phép bật điều hòa, sạc pin điện thoại cũng không được cắm?

Lắp điều hòa cho đẹp?

Mấy ngày qua, dù thời tiết lên đến gần 40 độ C nhưng người thân có người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang vô cùng bức xúc khi quạt ngoài sảnh luôn ở tư thế ngừng hoạt động.

Trong phòng bệnh nhân, gần 7, 8 giường một phòng nhưng chỉ có 3 chiếc quạt trần hoạt động, điều hòa luôn ở trạng thái tắt.

Tại tầng 2 tòa nhà C, chia sẻ với PV bà M. – người thân của một bệnh nhân nằm viện tại đây cho biết: “Mấy hôm nay, thời tiết dịu mát thì đỡ hơn, cứ như mấy hôm trước, chỉ có nước muốn đưa cháu về vì phòng nóng và ngột ngạt không thở được. Trong 1 phòng với 7, 8 giường bệnh, có 3 cái quạt trần và 1 điều hòa nhưng chưa bao giờ tôi thấy bật điều hòa cho bệnh nhân dù đã lắp từ rất lâu rồi.

Những ngày nắng nóng, lũ trẻ đang ốm khóc ngặt nghẽo lại thêm khổ vì nắng nóng. Nhìn cháu sốt cao mà xót cháu nhưng không biết làm thế nào”.

Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Giang, nơi bệnh nhân cho hay phải oằn mình chịu trận nắng nóng trong khi phòng lắp điều hòa. Ảnh: Cù Hiền

Bà T. đứng bên cạnh nói chen vào: “Tôi cũng hỏi bác sỹ tại sao không bật điều hòa, họ bảo phòng phải có đủ điều kiện gì đó mới được bật điều hòa. Khi tôi hỏi lại cho rõ ràng thì vị bác sỹ này im lặng”.

Anh Q. có con đang điều trị tại tầng 7 tòa nhà C cũng bức xúc: “Những ngày nóng, trong phòng ngột ngạt, giường điều trị của con tôi nằm giáp ngay cửa kính, không có rèm. Những ngày ấy, tôi phải bế con nằm nhờ giường khác. Thấy đèn báo điều hòa vẫn chạy, tôi tìm cách bật lên, 2 giờ sau bảo vệ lên, thấy phòng bật điều hòa, ông ta to tiếng với lời lẽ vô cùng khó chịu. Khi ấy có bác sỹ đang khám cho bệnh nhân, bảo vệ quát luôn cả bác sỹ: “Tháng này tiền điện mà nhiều thì cắt lương của bác sỹ đi…" Chúng tôi không hiểu bệnh viện kiểu gì mà bảo vệ quát và dọa cả bác sỹ?”.

Chưa hết, cũng theo lời kể của chị T., không được dùng điều hòa, người nhà bệnh nhân mang quạt đến thì bác sỹ không cho cắm điện. Kể cả sạc điện thoại, nếu thấy ai cắm điện là bác sỹ nhắc phải rút ra. Bảo vệ sẽ đi kiểm tra các phòng và nhắc nhở việc này.

Bên cạnh việc chịu cảnh nắng nóng, theo nhiều bệnh nhân, việc đi lại giữa các tầng của Bệnh viện cũng gặp khó khăn. Tòa nhà C, 9 tầng hiện có 5 thang máy, trong đó có 2 thang máy giành cho bác sỹ và nhân viên trong viện đi lại là thang máy số 3 và số 4.

Thang máy số 1, số 2 giành cho bệnh nhân nhưng phải có thẻ mới hoạt động được. Mỗi lần bệnh nhân muốn đi từ các tầng trên xuống dưới đều phải nhờ các bác sỹ, y tá quẹt thẻ giúp. Nếu từ dưới tầng 1 đi lên thì bảo vệ sẽ quẹt thẻ giúp họ.

Hai ngày nghỉ cuối tuần, bảo vệ không trực dưới tầng 1 để quẹt thẻ cho bệnh nhân đi lên. Tại các tầng, bác sỹ trực chỉ ở 1 phòng trong tầng 6 của tòa nhà. Điều này khiến việc đi lại của họ gặp khó khăn.

Thang máy số 5 giành cho người nhà bệnh nhân hoạt động vào hai múi giờ trong ngày, buổi sáng từ 11h đến 13h30, buổi chiều từ 16h đến 7h sáng hôm sau. Ngoài giờ đó ra thì thang máy này bị khóa lại. Vào ngày cuối tuần, người thân có thể ra vào thăm bệnh nhân bất kỳ lúc nào, nhưng thang máy vẫn chỉ hoạt động ở hai múi giờ đó.

Kể từ tháng 1/2016 đến nay, sổ theo dõi các thiết bị vệ sinh đã bị bỏ ngỏ. Ảnh: Cù Hiền

Điều này đã tạo nên sự bất hợp lý khiến nhiều người dân đến thăm người nhà phải leo thang bộ từ tầng 1 lên tầng 9…

Người dân phản ánh sai sự thực?

Ngày 11/7, sau khi nhận được thông tin phản ánh ban đầu, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi qua điện thoại về vấn đề này với ông Đỗ Bình Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản -Nhi Bắc Giang.

Ông Trí nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn cho bật điều hòa vào những ngày nắng nóng. Còn dưới phòng cấp cứu Nhi có một điều đặc biệt đó là chúng tôi phải tính chung cho các bệnh nhân khác. Nếu dùng điều hòa mà các bệnh nhân khác bị ảnh hưởng thì rất khó. Chúng tôi vẫn dùng điều hòa nhưng để ở nhiệt độ 27, 28 độ C”.

Ông Trí cho biết thêm, hàng năm, mỗi khi vào mùa nóng, Ban giám đốc lại tổ chức họp để tìm mọi biện pháp chống nóng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, thông tin PV ghi nhận trong cuốn sổ theo dõi thiết bị vệ sinh (gồm các thiết bị như điều hòa, điện, quạt trần...) được treo ở mỗi phòng thì thấy những thiết bị trong phòng được kiểm tra lần cuối cùng vào ngày 19/1/2016. Điều này không khớp với những gì vị Phó Giám đốc trao đổi với PV trước đó.

Lý giải về tình trạng hoạt động của thang máy, ông Trí phân tích: “Ở viện ưu tiên 1 thang máy cho người nhà bệnh nhân đi lại, 2 thang máy chuyển bệnh nhân dùng cáng đẩy dành cho những bệnh nhân phải mổ, nên chúng tôi phải có thẻ để chuyển bệnh nhân. Vấn đề này chúng tôi rất trú trọng đến chất lượng y tế. Chúng tôi luôn đặt bệnh nhân lên hàng đầu”.

Khi PV trao đổi rằng đã khảo sát thực tế và thấy thông tin người dân phản ánh không sai thì ông Trí lấy lý do đang đi công tác, không thể trả lời. Ông nói, Giám đốc bệnh viện sẽ trả lời tất cả khúc mắc này.

Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao một bệnh viện công, được đầu tư về trang thiết bị đầy đủ nhưng người dân lại không được hưởng quyền lợi đó. Tại sao 1 bảo vệ lại có quyền to tiếng nạt nộ dọa cắt lương bác sỹ? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.


Tác giả bài viết: Cù Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP