Kinh tế

Nợ thuế người chết, mất tích lên tới hơn 27.000 tỷ đồng

Tổng số thuế nợ không có khả năng thu của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản… đã lên tới 27.810 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 17.000 tỷ đồng, còn lại là tiền phạt, tiền chậm nộp.

Tổng số thuế nợ không có khả năng thu của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản… là 27.810 tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính tới 31/7, tổng số thuế nợ không có khả năng thu của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản… là 27.810 tỷ đồng, nợ thuế trên chiếm tới 37,1% trong tổng số tiền thuế nợ.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong số hơn 27.000 tỷ đồng nêu trên, tiền thuế nợ gốc là hơn 17.000 tỷ đồng số còn lại là tiền phạt, tiền chậm nộp.

Trước đó, cơ quan thuế từng yêu cầu các cục thuế địa phương tổ chức rà soát kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế của nhóm tiền thuế nợ khó thu với lý do người nộp thuế chết, bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể, phá sản nhưng trên hệ thống vẫn phát sinh kê khai, nộp thuế.

Với trường hợp sau khi kiểm tra, rà soát, xác định việc phân loại nợ chưa chính xác, lãnh đạo ngành thuế đề nghị các đơn vị điều chỉnh, phân loại lại trên hệ thống quản lý thuế tập trung, đảm bảo đúng tính chất khoản nợ.

Thực tế, hàng nghìn tỷ đồng bị cơ quan chức năng xếp vào diện khó thu vì người nộp thuế đã chết, giải thể, phá sản vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai nộp thuế.

Ngoài ra, báo cáo của cơ quan thuế cũng cho biết, tiền thuế có khả năng thu (nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày) là trên 47.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62,9% tổng nợ. Con số này so với thời điểm 31/12/2016 đã giảm 1.568 tỷ đồng.

Trong khoản nợ thuế có khả năng thu, nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất là 28.506 tỷ đồng, còn lại là tiền phạt, tiền chậm nộp là 18.612 tỷ đồng.

Qua đó, đại diện ngành thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế tới 31/7 là 74.937 tỷ đồng, tăng 792 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Tổng cục Thuế đánh giá, tốc độ giảm nợ còn chậm một phần do các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, hoạt động cầm chừng nay đã khắc phục, tháo gỡ khó khăn hoạt động trở lại nhưng không có dòng tiền để nộp đủ tiền thuế nợ. Các doanh nghiệp này chỉ trả được nợ cũ, còn nợ lại phần nghĩa vụ mới phát sinh.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không còn tài sản để nộp thuế, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không nộp được.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP