Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa vừa bắt giữ 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thanh Hiếu (SN 1995), Nguyễn Đình Hải (SN 1995) và Lê Quốc Tuấn (SN 1991), đều ở TP.Thanh Hóa để điều tra về hành vi sử dụng súng tự chế gây rối trật tự công cộng tại bến xe khách huyện Như Xuân.
Theo điều tra, do mâu thuẫn trong việc tranh giành khách giữa một nhà xe có địa chỉ tại phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa với nhà xe có địa chỉ tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, 3 đối tượng nói trên đã cùng 5 đối tượng khác mang theo 3 khẩu súng tự chế đi từ TP.Thanh Hóa lên bến xe khách huyện Như Xuân để giải quyết mâu thuẫn.
Các đối tượng liên quan đến vụ nổ súng ở bến xe. |
Tại đây, các đối tượng đã bắn nhiều phát vào bến xe khách, nơi xe của nhà xe ở thị trấn Yên Cát đang đỗ rồi nhanh chóng tẩu thoát. Tuy vụ nổ súng không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng làm mất an ninh trật tự, khiến dư luận hoang mang.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Như Xuân đã điều tra, làm rõ, lần lượt bắt giữ các đối tượng trên.
Nhận định những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, luật gia Đoàn Thị Thu Hằng – Thạc sĩ chuyên ngành luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm hình phạt phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Theo luật gia Hằng, hành vi sử dụng súng tự chế gây rối trật tự công cộng tại bến xe khách huyện Như Xuân của nhóm đối tượng Hiếu, Hải, Tuấn đã gây mất an ninh trật tự và hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà chế tài xử phạt khác nhau.
Theo đó, tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan CSĐT, các đối tượng có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự xã hội. Áp dụng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 100.000 đồng đến cao nhất là 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, tùy theo mức độ của hành vi gây rối trật tự công cộng thì hành vi của những người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015. Vì có thêm các tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức, dùng vũ khí... thì mức phạt tù các đối tượng có thể đối mặt từ 2 đến 7 năm.
Các đối tượng cũng có thể bị truy cứu hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304, Bộ luật Hình sự. Bởi theo điểm d, khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ghi nhận về vũ khí quân dụng gồm: "Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”.
Nếu súng tự chế mà những người đó sử dụng không thuộc danh mục do Chính phủ ban hành nhưng có tác dụng tương tự thì vẫn sẽ xác định là vũ khí quân dụng và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 với mức phạt tù từ 1 đến 7 năm.
Tác giả: V.Hương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin