Du lịch

Những phiên chợ vùng cao nổi tiếng nên một lần ghé qua

Những phiên chợ nhộn nhịp với nhiều nét đặc trưng nơi vùng cao Tây Bắc nước ta luôn gây tò mò cho du khách trong và ngoài nước.

Các phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao. Đặc trưng nổi bật nhất của các phiên chợ vùng cao đó là luôn rực rỡ màu sắc từ trang phục của bà con dân tộc đến những sạp thổ cẩm được bày bán la liệt dưới nền đất. Dù ngày nay, các phiên chợ vùng cao không còn được như xưa, nhưng vẫn nên một lần ghé qua những nơi này để biết thêm về cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây.

Chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai)

Chợ phiên Cán Cấu luôn rực rỡ sắc màu từ váy áo của bà con dân tộc. Ảnh: Phạm Trắc Vũ


Chợ vùng cao Cán Cấu hay còn gọi là chợ phiên Si Ma Cai cách thành phố Lào Cai gần 100 km. Đường đi tới đây không dễ đi, vì những con đèo gấp khúc nối nhau, đường lại hẹp. Nhưng chính sự vất vả đó càng làm du khách thấy thích thú, hào hứng khi đến được với phiên chợ. Chợ phiên Cán Cấu tập trung chủ yếu bà con người Mông Hoa, người Giáy và thường họp vào thứ 7 hàng tuần từ sáng sớm. Tuy chợ Cán Cấu không lớn và tấp nập như chợ Bắc Hà (cách đấy 20 km) nhưng điểm đặc biệt của chợ là vẫn giữ được những nét đặc trưng của người dân tộc, ít bị lai tạp bởi những món hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang. Du khách ghé thăm chợ Cán Cấu còn có dịp thưởng thức những món ăn dân dã, quen thuộc như bún, phở, lòng... nhưng hương vị khác hoàn toàn so với khi ăn dưới xuôi.

Chợ phiên Quyết Tiến (Hà Giang)

Phở Tráng Kìm là món ăn rất đặc biệt bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức khi đến chợ phiên Quyết Tiến. Ảnh: hachi8


Chợ phiên Quyết Tiến thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cách Hà Nội khoảng 320 km. Chợ cũng chỉ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần và bắt đầu từ lúc trời còn chưa sáng. Ngày nay du khách cũng bắt đầu tìm đến chợ phiên Quyết Tiến ngày môt nhiều nhưng khu chợ vẫn giữ được sự nguyên sơ, giản dị vốn có. Bà con dân tộc đôi khi đến đây chẳng mua cũng chẳng bán gì nhưng để được giao lưu, gặp gỡ bạn bè, đôi khi là tìm người bạn đời cho mình. Đến đây ngoài việc chọn mua lấy những món đồ thổ cẩm rực rỡ sắc màu bạn có cơ hội trò chuyện,tìm hiểu về cuộc sống của bà con dân tộc người Mông. Những món đặc sản nức tiếng của Hà Giang như phở Tráng Kìm, thắng cố, cháo ấu tẩu… cũng được bày bán tại chợ.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng (Điện Biên)

Giữa trưa luôn là lúc chợ phiên Tả Sìn Thàng đông vui, nhộn nhịp nhất.


Chợ phiên Tả Sìn Thàng thuộc huyện Tủa Chùa - nơi có đặc sản chè shan tuyết nức tiếng. Chợ họp ở thung lũng trung tâm của 5 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sả Phình, Trung Thu, Sính Phình. Cứ 6 ngày một lần, chẳng ai hẹn ai, chợ lại tự động họp từ khi mặt trời chưa qua đỉnh núi. Chợ Tả Sìn Thàng đặc trưng bởi màu vải tím trên khắn quấn đầu của bà con dân tộc. Thời điểm giữa trưa luôn là lúc chợ tấp nập, nhộn nhịp nhất. Cũng như hầu hết các phiên chợ vùng cao khác, chợ Tả Sìn Thàng bày bán đủ các loại nông cụ, thực phẩm, kim chỉ, vải vóc… Đặc biệt nếu đến chợ Tả Sìn Thàng bạn sẽ được mời chào uống thử chén rượu Mông Pê ủ men bằng lá rừng bên bát thắng cố nóng hổi.

Chợ phiên Dào San (Phong Thổ, Lai Châu)

Bà con dân tộc thường tranh thủ mua kim, chỉ để thêu áo váy khi đến chợ phiên. Ảnh: Việt Hòa


Chợ phiên Dào San là nơi gặp gỡ, mua bán trao đổi hàng hóa của 8 xã vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chợ Dào San cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60 km, thường họp vào chủ nhật hàng tuần và luôn tràn ngập tiếng cười đùa, nói chuyện của bà con dân tộc Mông, Dao sinh sống nơi đây. Chợ phiên giống như một địa điểm vui chơi của bà con vùng cao nên cứ trước ngày họp chợ ai cũng háo hức, chuẩn bị sẵn áo váy để xuống chợ. Chợ Dào San ngày nay không chỉ là nơi thu hút bà con dân tộc trong vùng đổ về mà cả du khách, người Kinh dưới xuôi cũng tìm đến để mua cho mình đôi tấm thổ cẩm hay thưởng thức những món ăn được bày bán trong chợ và tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây.

Tác giả bài viết: Thảo Nhi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP