Du lịch

Những món ngon độc lạ níu chân du khách ở Tây Ninh

Trong số những món ngon của xứ sở đầy nắng gió này, muối tôm, bánh tráng Trảng Bàng và mãng cầu Bà Đen là 3 đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu độc quyền nơi đây.

Mãng cầu Bà Đen


Tây Ninh là nơi trồng mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na) lớn nhất nước. Điểm độc đáo của mãng cầu Tây Ninh nói chung và mãng cầu Bà Đen nói riêng là có thể cho trái theo ý muốn. Theo một người dân, nếu như ngày trước, mỗi năm mãng cầu chỉ cho 1 vụ trái cố định vào khoảng tháng 7 – 8 âm lịch, thì khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhà vườn đã chủ động cho mãng cầu ra trái vào bất cứ thời điểm nào trong năm bằng việc…tuốt lá để kích thích cây ra hoa. Được biết, kỹ thuật lạ lùng này được một nông dân trồng mãng cầu tình cờ phát hiện và nhanh chóng được nhiều người ứng dụng thành công.

Trái mãng cầu Bà Đen có hình khối cầu dạng trái tim tròn, trước khi chín có màu xanh lục, khi chín màu xanh sáng hơi vàng. Vỏ ngoài trái có nổi nhiều múi núm chỏm hoặc lì, giữa các núm có khe, khi chín thì nở lớn ra thành các rãnh màu trắng. Mỗi trái có đường kính trung bình trên dưới 7,8 cm, trọng lượng trung bình trên dưới 179,6 g. Đặc biệt về hương vị mãng cầu Bà Đen có hương thơm hoa hồng và được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Hiện mãng cầu Bà Đen đã xuất khẩu sang một số nước như Pháp, Malaysia, Campuchia…

Bánh tráng phơi sương cuốn thịt (bánh tráng Trảng Bàng)


Được xem là món đặc sản của người dân Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương có quy trình chế biến công phu, cầu kỳ và tinh tế. Bánh phải được làm từ gạo ngon, không pha trộn. Khi xay gạo sẽ cho thêm một lượng muối để tạo vị mặn. Bánh đem đi tráng cũng có hai lớp, dày hơn so với các loại khác. Quy trình làm bánh đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, khi bánh chín sẽ được đem đi phơi nắng, nướng trên một cái lò đặc biệt đến khi bánh chuyển màu và tiếp đó được đem phơi sương trong khoảng thời gian nhất định.

Bánh tráng phơi sương thường ăn kèm với rau sống, thịt heo luộc và chấm với nước mắm pha chế công phu. Bánh tráng mềm dẻo với lát thịt tươi ngon hòa cùng nước chấm đậm đà, cùng vị chát, chua của các loại rau tạo nên món ăn tuyệt hảo đầy lôi cuốn.

Muối tôm


Nhắc đến Tây Ninh không thể bỏ qua món muối tôm, đặc sản độc đáo của địa phương. Công dụng của muối chỉ dùng để chấm các loại trái cây như cóc, ổi xoài… nhưng lại cuốn hút rất nhiều thực khách. Du khách đến đây thường tìm mua hũ muối đem về để dành hoặc tặng bạn bè, người thân.

Nguyên liệu của món chấm đặc biệt này gồm: muối, tôm, thịt, tỏi, cải đỏ, ớt… Các nguyên liệu được tính toán tỉ mỉ theo liều lượng nhất định sau đó đem xay đều rồi rang qua lửa và phơi nắng cho muối dậy mùi thơm.

Bánh canh Trảng Bàng


Nhắc đến thị trấn Trảng Bàng, trong lòng thực khách xa gần đều nghĩ đến món bánh canh gắn liền với nơi đây. Tô bánh canh đặc sản Tây Ninh đặc trưng với giò heo, huyết và những cọng hành xanh tươi, tuy đơn giản nhưng thực khách ngay lập tức bị cuốn hút khi thưởng thức qua.

Khói của tô bánh canh bốc nghi ngút, lăn tăn mỡ hoa nóng bỏng khi húp thử. Bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của hành, vị cay của tiêu, vị ngọt của nước lèo xương hầm hay vị mềm của những lát thịt phía trên.

Bánh tráng bơ


Bánh tráng bơ là món "đặc sản" có mùi vị lạ miệng. Đây là một trong những biến tấu từ bánh tráng của vùng đất Trảng Bàng Tây Ninh. Hương vị độc đáo này là từ sự kết hợp giữa bánh tráng ớt cuốn kèm với sốt bơ có vị béo, cay cay của vị muối ớt Tây Ninh trứ danh thêm chút bùi của tỏi sấy và đậu phộng, con ruốc đã thu hút nhiều thực khách khác nhau bởi hương vị độc đáo riêng.

Cùng với những loại bánh tráng đã nổi tiếng từ lâu như bánh tráng phơi sương, bánh tráng me, bánh tráng muối, bánh tráng ớt và vô số loại bánh tráng không tên khác, bánh tráng bơ đã góp phần làm phong phú thêm nét đa dạng về đặc sản có nguồn ngốc từ vùng đất Trảng Bàng Tây Ninh.

Món ăn chay Tây Ninh


Theo tục lệ xa xưa, tháng giêng là tháng ăn chay đối với người theo đạo Cao Đài. Phần đông dân cư Tây Ninh là tín đồ đạo Cao Đài do đó tháng ăn chay và nghề nấu món chay gia truyền rất được coi trọng và nổi tiếng. Giáo dân Cao Đài, nhiều người ăn chay “trường”, nhiều gia đình ăn chay 1/3 tháng hoặc cả tháng giêng.

Nấu mặn có sẵn thực phẩm động vật “thứ thiệt”, lại đầy đủ gia vị để “lên món”, chỉ cần định lượng thành phần nguyên liệu, hiểu cách sơ chế cắt thái tẩm ướp là đã có thể bắt tay ngay vào việc thực hiện nấu, nhưng nấu chay đều là “đồ giả”: gà lợn giả, lươn cua tôm cá giả chỉ có rau quả là thật.

Nguyên liệu phù trợ rau củ quả có bắp cải, súp lơ, cà chua, su su, củ đậu và các loại nấm, mộc nhĩ cùng đỗ hạt, miến, kim châm và nước dừa tươi. Cách thể hiện nguyên liệu gia cầm gia súc giả rất phong phú. Có thể nói bên “mặn” có món gì thì bên “chay” có món ấy. Nấm xào, cũng gà rán gà quay, vịt tiềm, tôm chạo, cua hấp cua rang đủ cả nhưng không phải là thực phẩm động vật. Mọi thứ đều “chay”.

Bò tơ Củ Chi


Bò tơ Củ Chi từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân vùng đất này. Giống bò được chăn thả với số lượng lớn trên những cánh đồng cỏ nơi đây mang đến hương vị đầy khác biệt. Những chú bò non tơ (còn gọi là con bê) được chế biến thành rất nhiều món ngon đặc sản, nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến món bò tơ nướng. Miếng thịt được tẩm ướp vừa vị nướng trên bếp than hoa tỏa mùi thơm nghi ngút khiến bạn phải cồn cào ngồi đợi và thỏa mãn khi thưởng thức.

Sau khi lấy nguyên con bò từ lò về, việc đầu tiên là thui lông. Đây là công đoạn bắt buộc vì bò tơ ưu thế hơn bê ở chỗ lớp da dày hơn, ngon hơn, phải thui lông vừa tới sao cho lớp da vàng ươm, khi nấu thành món mùi thơm của thịt mới bốc ra được và nhất là lớp da săn giòn nhai mới đã miệng.

Mắm chua Tây Ninh


Món ăn ngon đặc sắc khác của cư dân Tây Ninh mà chỉ những người ở Nam Bộ lâu năm mới quen ăn và “mê” nhất, đó là mắm chua. Cách chế tạo mắm chua có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng ở người Khơmer, nó được cải tiến đôi chút cho phù hợp với khẩu vị người Việt.

Vào khoảng tháng 9 thán 10 âm lịch là mùa cá con xuống sông, suối theo nước đổ, người ta đi xúc hoặc là sa để bắt tép, cá nhỏ (cá lòng tong, rễ tren, cá đỏ đuôi) làm mắm chua. Cách làm là cá rửa sạch ướp với muối hột rang giả nhuyển, sau đó trộn thính và đường tán, sau từ 15 đến 20 ngày mắm có thể ăn được. Khi ăn trộn thêm đường cát, tỏi, ớt, hạt tiêu còn tươi cho mắm dịu lại. Mắm chua ăn chung với rau sống, trái đậu rồng non. Tùy theo sở thích người ta có thể ăn với cơm hoặc với bún, bánh tráng thịt heo luộc.

Ốc xu núi Bà


Có hình dạng gần giống ốc bươu nhưng có mình dẹt và nhỏ hơn, người dân nơi đây cho rằng ốc xu núi Bà không những ngon đặc trưng mà còn có tác dụng chưa nhức mỏi khá tốt. Ốc bắt về được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như nướng, hấp xả, xào me, xào tỏi… Thịt ốc có vị dai, giòn, vị ngọt thanh và có chút hương thuốc quý.

Để cảm nhận vị ngon đặc biệt của ốc, người dân địa phương khi bắt ốc núi về thường cho cơm dừa nạo nhuyễn vào rồi hấp với xả hay gừng và gia vị chấm đi kèm là muối tiêu chanh.

Thằn lằn núi Bà Đen


Được xem là “đệ nhất ẩm thực” ở xứ Tây Ninh, thằn lằn núi là món nhậu cuốn hút cánh mày râu. Món ăn này luôn được nhiều thực khách săn đón khi đến Tây Ninh.

Thằn lằn núi được chế biến thành nhiều món như băm nhỏ xào với tiêu xanh ăn kèm bánh tráng và lá lốt. Ngon nhất phải kể đến là thằn lằn núi chiên giòn ăn kèm xà lách, rau thơm và mắm me.

Nem vỏ bưởi


Nem vỏ bưởi là món ăn chơi phổ biến của người dân Tây Ninh. Nem vỏ bưởi có vị chua, mặn, ngọt, vị cay của ớt, tiêu và một hương thơm đặc trưng làm thành món nem lạ lẫm và đầy dư vị hấp dẫn.

Nguyên liệu chính của món ăn này là vỏ bưởi, đu đủ xanh bào nhuyễn phơi khô kết hợp các phụ liệu như khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá chùm ruột, lá chuối… Nem chín có màu hồng hào, có độ dai vừa phải và phải hội tụ đủ các vị chua, mặn, ngọt, cay, thơm…tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt quyến rũ nhiều thực khách.

Bánh tráng me


Trong hàng chục món bánh tráng thuộc về nhóm quà vặt xuất xứ từ Tây Ninh, bánh tráng me thuộc loại có sức hấp dẫn không cưỡng được nếu đã một lần nếm qua.

Nó không quá đơn giản như chiếc bánh tráng muối ớt cay xé lưỡi hay quá lộn xộn như món bánh tráng trộn, vốn luôn được gia giảm nguyên liệu rất… tùy hứng của các lò bánh, mà đã được người chế biến nâng cấp thành một loại quà rong khá thanh cảnh mà cũng cầu kỳ nhất hạng.

Túi bánh tráng me gồm có một ít bánh tráng đã phơi sương cho dẻo, gấp xếp vuông vắn, vài gói gia vị nho nhỏ gồm muối ớt, bột tôm rang, ớt bột, hành phi, lạc rang giã đôi và chủ lực là một chút nước me sền sệt, chua chua ngọt ngọt. Trông cầu kỳ và lích kích như một gói mì ăn liền cao cấp.

Tác giả bài viết: Tùng Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP