Đến với An Giang là bạn đã hòa mình vào vùng văn hóa ẩm thực Chăm, Kinh đa dạng. Vì có đa số người Chăm nên khẩu vị ăn uống nơi đây cũng ảnh hưởng phần nào với những món ăn đa dạng, nhiều hương vị độc đáo và cuốn hút những thực khách.
Cơm nị, cà púa
Vị ngọt béo của sữa, bùi của đậu phộng quyện cùng vị mặn ngọt của thịt bò, cay xè của ớt và ngọt của nho khô sẽ làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.
Món ăn là sự kết hợp lạ nhưng hài hòa tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực nơi đây. Cơm nị thường được nấu bằng loại gạo ngon. Gạo sẽ được cho vào một chút muối và xả sạch với nước. Sau đó, đổ gạo ra rổ lớn cho ráo nước sau đó cho vào xào chung với bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi thơm.
Gạo sau khi xào xong sẽ trộn cùng bột hạt điều đã rang sẵn, tiếp theo đổ gạo vào hỗn hợp nước bao gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri quấy đều, đem nấu. Khi cơm gần chín rưới nước cốt dừa hoặc sữa vào nồi rồi nấu tới khi chín hẳn. Không cho nước dừa và sữa vào từ đầu vì sẽ làm cơm dưới đáy nồi dễ bị cháy khét, không ngon. Để tăng khẩu vị, người nấu còn cho thêm nho khô trộn cùng cơm.
Món cơm nị, cà púa hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa nhiều màu sắc.
Món cơm nị hoàn tất như thế với đủ hương vị thơm ngon và béo ngậy rất đặc trưng. Dùng kèm cơm nị nhất định phải là cà púa. Món cà púa được chế biến cũng khá công phu với nguyên liệu chính là thịt bò.
Để món cà púa ngon, thịt bò phải thật tươi, được khử mùi bằng rượu và gừng trước khi chế biến. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng.
Thịt bò được xào với dừa khô, cà ri, hành, ớt, muối đến thấm và cho nước cốt dừa vào ninh tới khi mềm rồi cho thêm cơm dừa nạo rang vàng, hành củ và đậu phụng rang thì mới hoàn tất.
Cơm nị nấu cùng nước cốt dừa.
Quy trình chế biến cơm nị – cà púa An Giang được thấy là dùng khá nhiều nước cốt dừa, khiến người ta dễ liên tưởng đến vị béo ngậy thái quá và khó lòng mà ăn hết. Tuy nhiên khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ cảm nhận chính vị dừa lại trở thành nét đặc trưng rất riêng mà thiếu đi nét đặc trưng đó có thể đã không thể hình thành món cơm nị – cà púa thơm ngon một cách lạ lùng như thế.
Cơm nị và cà púa hòa quyện vào nhau tạo hương vị độc đáo mà chỉ ẩm thực An Giang mới có.
Cá leo nướng muối ớt
Cá leo thuộc loại cá da trơn, da có màu xám hoặc hơi nâu, chuyên sống ở thác hoặc nơi nước chảy xiết. Cá có thân dài, dẹp ngang. Đầu tương đối to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, có hai đôi râu ở hàm trên và hàm dưới. Cá leo có thể chế biến nhiều món ăn ngon như nấu lẩu, nấu canh chua, nướng, chiên, kho lá nghệ, lá gừng… nhưng thú vị và kích thích dân sành nhậu nhất phải kể đến món cá leo nướng muối ớt.
Muốn có được món nướng thơm ngon thì cá được chọn phải là những con còn tươi rói, sau đó được làm sạch nhớt và phần ruột. Cá được làm sạch đem ướp với tỏi, ớt, bột nêm và bột ngọt cho ngấm các gia vị. Cá đem nướng trên bếp than hồng đỏ lửa, mỗi lần trở cá là lại quết thêm lớp muối ớt và dầu ăn cho thịt cá ngấm đậm vị. Món cá hoàn thành khi thịt bốc khói thơm lừng và da cá chuyển màu bắt mắt, người An Giang khi ăn cá leo thường có kèm bánh tráng cuốn và các loại rau sống chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon không kể được.
Thịt cá leo săn, thơm trong lớp bánh tráng và rau hòa cùng nước mắm, bạn cứ nhẩn nha cuốn, cắn và thưởng thức vị tươi rói của món nướng dân dã này.
Bạn có thể mua cá leo về làm quà với giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg.
Tác giả bài viết: Lan Thoa