Du lịch

Những món đặc sản phải thử khi đến Yên Bái

Có những món nghe quen thuộc và bạn đã từng được thưởng thức nhưng chắc chắn sẽ có những món ngon ở nơi đây mà bạn chưa bao giờ được nếm thử, cho dù bạn đã từng đặt chân đến vùng núi này.

Khoai tím Lục Yên

s


Khi có dịp lên huyện Lục Yên (Yên Bái), du khách có thể thưởng thức món khoai mon (khoai tím) Lục Yên hầm xương lợn. Món ăn nhìn qua thấy bình thường, nhưng ăn rồi thì khó quên. Nó bùi, béo, dẻo, bở và có mùi thơm riêng biệt của khoai mon nơi đây mà không có thứ khoai nào có được.

Đứng xa thoạt nhìn, thấy củ khoai sọ có độ lớn và hình dáng hao hao củ nâu. Khoai chỉ có một củ cái, nếu thu hoạch sớm thì củ chỉ bằng hai bàn tay khum lại chụm vào nhau, còn khoai già, cỡ lớn thì tương đương cái ấm tích pha chè tươi.

Mận tam hoa Mù Cang Chải

s


Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với ruộng bậc thang, kỳ quan do bàn tay con người tạo nên, nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao người Mông lung linh màu sắc mà còn làm say lòng du khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan của mận tam hoa.

Thường vào đầu tháng 5 âm lịch, mận chín và bắt đầu mùa thu hái. Mận tam hoa Mù Cang Chải quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi, ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn.

Ở nước ta vốn đã rất nổi tiếng với mận tam hoa Bắc Hà, Lào Cai nhưng có lẽ nhiều người dân Yên Bái dù đi xa vẫn khó có thể quên cái vị đậm, chua nhưng không gắt, hơi giòn và rất ngon của mận tam hoa Mù Cang Chải.

Rau dớn

x


Rau dớn hay phác pút theo tiếng của người Thái, thuộc họ quyết, lớn hơn cây dương xỉ, có cành dài, lá nhỏ xòe trên đầu cây như tán một chiếc ô rộng lớn.

Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi – nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao. Đối với nhiều tộc người, rau dớn là “vua” các loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách trong các lễ hội.

Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm …

Dế chiên giòn

s


Tháng 7 âm lịch khi nhãn Mường Lò chín rộ, mùa bọ xít nhãn đã hết, những cơn mưa rào tự nhiên bỗng nhẹ đi và kéo dài ra để bước vào tháng ngâu, cỏ non bắt đầu nhú lên cũng là lúc những con dế trở nên mập mạp, bóng bẩy, béo ngậy và món dế trở thành món chủ đạo trong các quán ăn. Người ta bắt dế bằng nhiều cách và không mấy khó khăn như đào hang, đổ nước; tối đến trẻ em bắt dế quanh các cột đèn cao áp tại các tuyến phố Nghĩa Lộ. Ở đây bắt dế không khó và vùng Mường Lò dế rất nhiều.

Dế sau khi chiên xong có màu vàng ruộm và mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Bạn có thể rưới thêm nước ớt hoặc nước măng chua tăng phần đậm đà cho món ăn.

Nếp Tú Lệ

s


“Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” câu ca dao của dân tộc Thái ấy từ lâu không chỉ được truyền tụng khắp vùng Tây Bắc, mà hương vị độc đáo của giống gạo quý ấy còn bay xa khắp mọi vùng đất nước. Đặc biệt là nếp Tan Lả Tú Lệ (Văn Chấn – Yên Bái).

Với những du khách đã từng đến Tú Lệ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ gạo nếp Tú Lệ như: cốm, cháo cốm vịt, xôi nếp ngũ sắc, cơm lam… được các cô gái Thái thổi hồn, nhấp chén rượu nếp Tú lệ do những đôi tay ngà mời lâng lâng trong tiếng “Khắp mời lẩu” – Hát mời rượu, say trong điệu xoè nồng hậu mới thấm hơn cái hồn của xứ Thái và ý nghĩa sâu xa của câu ca:

“Mường Lò gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

Bánh chim gâu

s


Bánh chim gâu là một trong những đặc sản của người Dao ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Gọi là đặc sản bởi sự cầu kỳ trong cách làm bánh và câu chuyện về chiếc bánh mang ý nghĩa của tình mẫu tử này. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp và không thể thiếu được lá dứa rừng - thứ lá giờ được nhiều gia đình mang về trồng quanh nhà để lấy làm vị thuốc chữa bệnh dạ dày.

Cầu kỳ hơn, người làm bánh có thể trộn thêm một chút đỗ xanh, hay nhuộm gạo các màu bằng các loại lá cây hoặc ngâm gạo bằng nước tro nẳng để tạo thêm hương vị khác nhau.

Bưởi Đại Minh

s


Bưởi Đại Minh (Yên Bình, Yên Bái) là giống bưởi ngon nổi tiếng, sánh ngang với bưởi Năm Roi, Phúc Trạch, bưởi Diễn, bưởi Thanh Trà… cùng vùng bưởi Đoan Hùng tạo thành vùng quả đặc sản khu vực miền núi phía Bắc.

Khi bổ ra, bưởi có mùi thơm thoang thoảng, múi róc, mọng nước. Chỉ cần ăn một múi, cũng cảm nhận được cái vị ngọt mát, thơm dịu của bưởi và cái vị đậm đà của làng quê

Bưởi Đại Minh ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bái.

Cam Văn Chấn

h


Cam Văn Chấn có vỏ ngoài mỏng và đẹp, để được lâu; bên trong quả cam có tỷ lệ xơ thấp, nhiều nước, ít hạt, mùi thơm ngọt.

Bắt đầu vào đầu đông, trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú đến Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn (Yên Bái) vàng rực một màu cam chín.

Nhiều người biết đến Văn Chấn không chỉ với những cây chè cổ thụ Suối Giàng, những bãi tắm nước nóng tuyệt đẹp... mà Văn Chấn còn nổi tiếng với những vườn cam rộng lớn ở thị trấn Nông trường Trần Phú.

Thịt trâu gác bếp

s


Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.

Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

Muồm muỗm rang Mường Lò

s


Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.

Lạp xưởng Yên Bái

f


Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men.

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại. Củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Bánh chưng đen Mường Lò

s


Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Mật ong nhãn Văn Chấn

s


Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.

Măng

Măng sặt Nghĩa Lộ

s


Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.

Măng tre Bát Độ

s


Măng tre Bát Độ to (từ 3-8 kg), vỏ mỏng, thịt trắng, dày, lõi nhỏ, tỷ lệ thịt đạt trên 85%.

Măng tre Bát Độ ăn có vị ngọt, giòn, không cần nấu kỹ như các loại măng khác lại dễ chế biến, có thể ăn tươi, làm măng chua… Vì vậy mà thương lái đến tận vườn măng để thu mua. Măng Bát Độ ngoài để ăn tươi, còn có thể chế biến đồ hộp, đóng túi, làm măng chua, sấy khô dạng lát, sợi ... được các thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Mắc khén

s


Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.

Bánh chuối Lục Yên

s


Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon - bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Rượu thóc La Pán Tẩn

s


Xã La Pán Tẩn nằm cách thị trấn Mù Cang Chải tầm 26km, đây là một trong những địa danh đã được xếp hạng danh thắng quốc gia về ruộng bậc thang. Đến đây, vừa để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, vừa để thưởng thức một loại rượu thơm ngon có tiếng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây – đặc sản rượu thóc.

Muốn có được loại rượu thành phẩm ngon thì ngoài việc lựa chọn được loại thóc nương ngon (nguyên liệu chính để nấu rượu) còn phải có thêm một số các nguyên liệu không thể thiếu khác là men lá gia truyền và nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về. Hiện tại, quá trình sản xuất rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền.

Chè tuyết Suối Giàng (chè Shan tuyết)

s


Ai đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết - giống chè shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Điều đặc biệt là, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều dựa vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông nơi đây.

Quế Văn Yên

s


Đến Văn Yên (Yên Bái) đi đâu cũng gặp quế - một loài cây đã gắn bó với đời sống thường ngày của người dân. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà cây quế không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao Văn Yên.

Ngoài thu hoạch quế vỏ, thân quế đã bóc vỏ có "vanh" từ 35cm trở lên dùng chế biến gỗ nhân tạo, còn loại nhỏ bán làm cây chống dùng trong xây dựng.

Tác giả bài viết: Tùng Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP