1. Bánh lá ngải
Đến Cao Bằng, Bắc Kạn, khó ai có thể quên được hương vị độc đáo của món bánh lá ngải nổi tiếng.
Lá ngải là một loại lá thuốc và cũng là loại thực phẩm quý. Ngải cứu có vị đắng nồng, nhưng được người Tày chế biến thành món bánh lá ngải thơm ngon, đặc biệt. Bánh lá ngải trước đây thường được làm trong các dịp lễ tết. Nhưng ngày nay, để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, bánh lá ngải được làm thường xuyên hơn.
Bánh lá ngải có hình tròn, cách làm khá giống với bánh dày của người Kinh. Tuy nguyên liệu để chế biến khá đơn giản, gồm ngải cứu, gạo nếp, vừng và đường phên, nhưng cách chế biến đòi hỏi công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Lá ngải phải tươi, ngon, có màu xanh thẫm, đều lá đều ngọn. Ngải cứu được xử lý cẩn thận để giữ nguyên mùi thơm, màu xanh đậm nhưng phải khử sạch vị đắng. Gạo làm bánh là gạo nếp nương thơm ngon, không được pha thêm gạo tẻ. Sau khi đồ gạo thành xôi, đem giã chung với lá ngải cho tới khi tạo thành một thứ bột sánh, mịn và dẻo quánh, đậm màu xanh.Nhân bánh là vừng đen được ranh chín, giã nhỏ trộn với đường phên.
Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm lạ của lá ngải là sự dung hòa giữa cái dẻo của nếp, cái ngọt của đường và sự tươi non của hương vị đồi nương, núi rừng.
2. Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa (Thái Nguyên) nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung. Đây là món ăn dân dã, được chế biến tương đối cầu kì với vị thơm ngon riêng, không lẫn với hương vị của bất cứ món bánh nào khác.
Trứng kiến là một trong những nguyên liệu quan trọng để làm nên món bánh này. Ngoài ra còn có bột gạo nếp, thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng, lá vả. Trứng kiến được dùng làm nguyên liệu là trứng của loài kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn. Trứng kiến có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, căng mọng. Sau bước sơ chế, trứng kiến được rang kỹ cùng với thịt ba chỉ băm nhỏ và một chút lá kiệu hay lá hẹ cho đến khi trứng và thịt chuyển màu vàng sậm. Để hoàn thành nhân bánh, người ta trộn trứng kiến với vừng hoặc lạc rang giã nhỏ.
Bánh trứng kiến, đặc sản của núi rừng Định Hóa, Thái Nguyên
Bánh trứng kiến với hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể ăn nóng hay nguội tùy ý, mỗi lúc đều có vị ngon riêng. Khi ăn bánh, người ta ăn cả phần lá vả bọc ngoài bánh. Bánh có vị thơm ngon rất lạ, vừa có độ dẻo, thơm của bột nếp lại có vị bùi của lá vả, đặc biệt là vị béo béo, ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến.
3. Bánh chưng đen
Bánh chưng đen là món ăn đặc biệt từ màu sắc, kiểu dáng đến hương vị. Bánh được gói thành hình vuông như bánh chưng thường hoặc hình trụ, có màu đen, ăn rất mềm.
Để làm được những chiếc bánh đặc biệt đó, người dân ở các vùng núi cao phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 10 – thời điểm hết vụ gặt. Những hạt gạo nếp ngon được lựa chọn kĩ lưỡng rồi đem phơi khô, cất kĩ. Gần đến ngày tết, gạo nếp được mang ra trộn với bột tro, làm cho hạt gạo ngấm đều màu xám đen.
Món bánh mộc mạc nhưng chứa trong đó bao tinh túy của đất trời Tây Bắc
Nhân bánh gồm đậu xanh, thịt, mỡ, hạt tiêu và một loại gia vị đặc biệt của núi rừng là quả thảo quả khô. Chính thảo quả làm cho nhân bánh mang hương vị khác lạ. Khi bánh chín, hạt gạo chuyển thành màu xám đen, hạt gạo quyện vào nhân bánh, thơm ngon. Bánh ăn có vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của đỗ, vị thơm của thảo quả và vị thanh lạ của gạo được trộn tro tạo thành hương vị khó quên.
Người Tày làm bánh chưng để thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà và cảm tạ đất trời.
4. Bánh láo khoải
Có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô, nhưng với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái thì bánh láo khoải (còn có cách gọi khác là lức khoải hay rớ khoải) là món không thể thiếu để ăn Tết.
Ngô thu hoạch tầm tháng 8 âm lịch hàng năm được bảo quản trên gác bếp hay treo lên chái nhà. Khi làm bánh, ngô được nghiền thành bột rồi đồ chín, nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, dài khoảng 15-20cm, dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh. Bánh có thể thái mỏng và nướng trên than củi, cũng có thể thái chỉ, nấu với đường ăn rất mát, nước dùng như nước bánh trôi, hoặc nấu với quả đậu Hà Lan, cho thêm muối, mỡ động vật vào giống như nấu canh.
5. Bánh gio
Món bánh gio là đặc sản của người Tày. Bánh gio thường được làm vào các dịp lễ tết, là món bánh không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất.
Bánh được làm bằng gạo nếp và gio. Gio được đốt từ thân cây tầm gửi, cây sấu, cây lai… Trải qua nhiều công đoạn, người ta lấy được phần nước gio có màu vàng nâu giống như mật ong loãng. Gạo nếp gói bánh là loại gạo hạt to, tròn đều, sàng sảy sạch, gạo sẽ được ngâm trong nước gio.
Bánh gio thường được ăn kèm với mật
Bánh được gói bằng lá dong. Khi gói bánh, tay phải nén chặt và tản gạo thật đều, để sau khi ra lò bánh rền và có hình khối đẹp. Chất lượng bánh cũng phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay khéo léo của người gói.
Sau khi gói xong, bỏ bánh vào nồi nước đun chừng 6 tiếng rồi vớt ra. Bánh sau khi chín có màu vàng tựa như mật, dùng ăn nguội và chấm với mật mía.
Để làm bánh gio không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo trong cách điều chế nước gio. Nước gio đặc quá, bánh sẽ mặn, mất ngon. Còn nếu nước quá loãng bánh sẽ không có được hương vị, độ ngon mát cũng như màu sắc cần thiết. Khi ăn chỉ cần dùng chính những sợi lạt quấn quanh bánh để cắt bánh ra thành từng lát mỏng, ăn đến đâu cắt đến đó, rất tiện lợi. Bánh có vị thanh mát, có chút nồng nồng, ngai ngái của nếp, gio, lá dong quyện lẫn vào nhau.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: