Đấu bò đã chia rẽ đất nước Tây Ban Nha thành hai phe, một bên là những người bảo vệ cho quyền động vật và một bên là những người muốn bảo vệ di sản văn hóa quốc gia, nguồn thu về kinh tế và du lịch mà những lễ hội này mang lại.
Những lễ hội đẫm máu
Tại buổi biểu diễn đấu bò ở vùng Aire-sur-l’Adour (miền Tây Nam nước Pháp) hồi tháng 6, đấu sĩ Ivan Fandino (36 tuổi) bị bò húc tử vong. Theo báo The Guardian, Fandino đã gặp sự cố trong lúc thi đấu và trượt ngã. Con bò tót say đòn chỉ chờ có thế, húc mạnh đâm thủng lá phổi đấu sĩ. Trận đấu ngay lập tức được dừng lại, Fandino được đưa vào khu vực sơ cứu rồi nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện gần đó. Vết thương quá nặng khiến anh qua đời trên xe cứu thương.
Ivan Fandino là đấu sĩ bò tót người Tây Ban Nha thứ hai thiệt mạng giữa lúc thi đấu trong vòng một năm qua. Hồi tháng 7-2016, đấu sĩ Tây Ban Nha Victor Barrio cũng bị bò tót húc chết trong lúc biểu diễn tại TP Teruel. Theo báo El Pais, trong thế kỷ 20 đã có 134 người, trong đó có 33 đấu sĩ chuyên nghiệp bị bò tót giết chết ở Tây Ban Nha. Hồi năm 2015 một đấu sĩ khác tên Francisco Rivera Ordonez cũng đã một phen bê bết máu sau một trận đấu bò ở thị trấn Huesca.
Một lễ hội khác cũng nguy hiểm không kém các buổi biểu diễn đấu bò ở Tây Ban Nha là lễ hội đua bò. Trong lễ hội này, hàng chục con bò tót sẽ được thả tự do để đuổi theo người tham gia lễ hội trên phố. Đây là một trong những lễ hội cổ xưa nhất của Tây Ban Nha, được tổ chức ở nhiều TP, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến TP Pamplona. Mỗi năm hàng chục người phải nhập viện sau cuộc chạy đua “thừa chết thiếu sống”. Riêng năm 2012 có tới sáu du khách bị bò húc, trong đó bốn người bị thương nặng. Năm 2009 cũng có một người tử nạn trong cuộc đua tử thần này.
Ấn Độ cũng có một môn thể thao cảm giác mạnh rùng mình không kém. Lễ hội truyền thống thuần hóa bò “Jallikattu” được tổ chức ở bang Tamil Nadu (miền Nam Ấn Độ) hằng tuần. Bò tót được thả vào đám đông. Những người tham gia sẽ tìm cách cưỡi và chế ngự con bò hung hăng. Môn thể thao này từ lâu đã là một phần quan trọng trong văn hóa của người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, lễ hội nổi tiếng này cũng đã khiến không ít người chơi từ sứt đầu mẻ trán đến tử vong. Hàng trăm người chơi lẫn khán giả bị giẫm đạp, thậm chí bị bò húc chết trong các trận đấu.
Lễ hội đấu bò tót nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Ảnh: The Disassociated Press |
Các đấu sĩ đấu bò một khi thi đấu là đã chấp nhận rủi ro tử nạn. Ảnh: GETTY IMAGES |
Lễ hội thuần hóa bò “Jallikattu” là một môn thể thao truyền thống được tổ chức ở bang Tamil Nadu (miền Nam Ấn Độ). Ảnh: JALLIKATTU |
Tổ chức tốt sẽ thu lợi “khủng”
Bất chấp sự nguy hiểm hay các ý kiến phản đối, lễ hội chạy đua bò truyền thống ở Pamplona vẫn được tổ chức thường niên. Theo ước tính, môn thể thao này có thể tạo ra khoảng 57.000 việc làm cho đất nước và mang lại hơn 1,5 tỉ USD cho nền kinh tế mỗi năm.
Để đảm bảo an toàn cho những người tham gia, các lễ hội đấu bò lớn ở Tây Ban Nha thường yêu cầu người tham gia rượt bò phải trên 18 tuổi, không được phép uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích trước khi tham gia cuộc đua.
Các khán giả theo dõi trận đấu cũng bị nghiêm cấm các hành động như cản trở đường chạy, kêu gọi hoặc có hành động khiến bò mất tập trung. Các sàn đấu bò ở Tây Ban Nha cũng được trang bị một trung tâm y tế riêng ngay cạnh để sơ cứu trong trường hợp có tai nạn khẩn cấp.
Những người ủng hộ cho rằng đây là một nét văn hóa lâu đời và mang lại nguồn thu khổng lồ cho đất nước. Nhiếp ảnh gia Jim Hollander cho rằng lễ hội rượt bò sẽ không bao giờ bị mất đi vì nó tạo động lực giúp bảo tồn nguồn gen quý của bò tót Tây Ban Nha.
Trên Newsweek, GS triết học Gabriel Avalos cũng chỉ ra nghịch lý trong lập luận của làn sóng đòi bảo vệ bò tót: “Liệu có công bằng không khi ba triệu con bò hằng năm bị giết ở Anh, 30 triệu con bị giết ở Mỹ và 78% trong số đó bị giết tại các nhà máy xẻ thịt khi tuổi đời của những con bò này chỉ khoảng 18 tháng?”. Ông Avalos khẳng định những con bò tót Tây Ban Nha sống cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc hơn những “họ hàng” ở quốc gia khác.
Hồi năm 2013 Tây Ban Nha đã thông qua một luật bảo vệ việc thi đấu bò tót, coi đây là một phần của di sản văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định nhiệm vụ của chính phủ là phải “giữ gìn và phát huy” truyền thống này. “Đấu bò có nguồn gốc từ tổ tiên và là một hình thức nghệ thuật tương tự như thơ ca” - tạp chí Time dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Đấu bò Quốc tế Williams Cardenas. Theo ông Cardenas, việc nhiều người muốn bác bỏ truyền thống này là do họ không thể nhận ra những “vẻ đẹp” đó.
Jallikattu cũng từng bị Tòa án Tối cao Ấn Độ cấm vào năm 2014 vì lý do đối xử quá tàn bạo với động vật. Tuy nhiên, chính phủ sau đó phải đổi ý và cho phép tổ chức môn thể thao này vào thứ Bảy hằng tuần, sau khi các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra nhằm yêu cầu tái hợp pháp hóa lễ hội.
Những người biểu tình cho rằng lễ hội thuần hóa bò này là một di sản văn hóa và giúp bảo tồn các giống bò tốt. Sau khi cho phép Jallikattu diễn ra lại, chính quyền địa phương Ấn Độ đã đặt ra một số luật lệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo những con vật sẽ không bị ngược đãi và mọi người sẽ được an toàn khi tham gia. Theo đó, những con bò phải được đăng ký, chụp ảnh và được bác sĩ thú y của chính phủ kiểm tra sức khỏe trước và sau khi tham gia thi đấu.
Tác giả: An Miên
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM