Rừng tràm Trà Sư
Thuộc địa phận xã Văn Gáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Trà Sư là một trong những rừng tràm đẹp nhất miền Tây, có diện tích 850 ha.
Nằm trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, rừng tràm Trà Sư có khoảng 70 loài chim, 36 loài thú, 10 loài cá và hơn 140 loài thực vật các loại.
Vẻ đẹp xanh mướt của rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Nam Phạm.
Nhờ được thiên nhiên ưu ái, nơi đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là vào mùa nước nổi. Mùa này đến với rừng tràm, du khách sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng tràm xanh ngắt.
Ngồi trên thuyền len lỏi qua những dòng kênh, hít căng lồng ngực mùi không khí trong lành, mát mẻ và đắm mình trong những tán lá xanh rì, cao vút. Đặc biệt vào lúc chiều tà, rừng tràm lại còn đẹp hơn với những tia nắng cuối ngày len qua từng kẽ lá. Những đàn chim ríu rít bay về tổ, làm xôn xao cả khu rừng yên tĩnh.
Rừng tràm Tân Lập
Nằm cách biên giới Campuchia khoảng 15 km về phía nam, rừng tràm Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách trung tâm TP.HCM 120 km. Với diện tích 135 ha và vùng đệm rộng 500 ha, nơi đây được quy hoạch để xây dựng khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và vùng ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung.
Rừng tràm Tân Lập là một trong 10 khu du lịch sinh thái nhiều người đến nhất Việt Nam. Vào mùa nước nổi, nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh bao la của ruộng lúa, đồng sen và của những cánh rừng tràm trải dài tít tắp.
Đến làng nổi Tân Lập, du khách sẽ được khám phá con đường mòn xuyên rừng tràm dài 5 km, ngắm nhìn vẻ đẹp của những rặng tràm cao ngút trời, xanh mát. Du khách còn được ngồi thuyền du ngoạn thăm thú cảnh đẹp của vùng đầm lầy, lưu lại khoảnh khắc đẹp của những cánh đồng hoa sen, hoa súng đang mùa rực nở.
Ngoài ra, thưởng thức những món ăn đặc trưng của miền Tây như lẩu chua cá lóc, cá rô kho tộ, chuột nướng muối ớt… cũng là trải nghiệm thú vị mà du khách không nên bỏ qua.
Con đường xuyên rừng tràm Tân Lập. Ảnh: Phước Bình.
Rừng tràm Gáo Giồng
Rừng tràm Gáo Giồng thuộc khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Vào mùa nước nổi, đường đến Gáo Giồng được bao phủ bởi một màu xanh bao la của những loài cây nhiệt đới. Điểm thu hút du khách của Gáo Giồng chính là sân chim - nơi tụ họp của hơn 15 loài chim đẹp và quý, như cò mỏ vàng, cồng cộc, diệc, vạc,… Để vào sân chim, du khách đi xuồng từ cổng, men theo con rạch nhỏ phủ đầy những mảng bèo tây xanh mướt.
Đến đây, du khách còn được dịp chinh phục ngọn tháp canh cao 18 m, từ ngọn tháp, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa thật xa, ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của những mảng rừng tràm với màu xanh bát ngát.
Vẻ đẹp xanh mướt của rừng tràm Gáo Giồng. Ảnh: Trần Hùng Cường.
Về Gáo Giồng ngắm chim, thưởng thức những món ăn dân dã đồng quê và chìm đắm trong sắc màu xanh trong của rừng tràm mát mẻ để quên đi những muộn phiền của cuộc sống thường nhật.
Rừng tràm Xẻo Quýt
Khu di tích lịch sử - rừng tràm Xẻo Quýt thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có diện tích hơn 20 ha, được quy hoạch bảo tồn thành khu di tích cách mạng.
Đến đây vào mùa nước nổi, du khách được len lỏi vào sâu trong rừng tràm trên những chiếc xuồng ba lá nhỏ. Du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm những cây tràm lâu năm, thân cao to, vỏ vàng ươm mỏng... trầm mình giữa dòng nước mát lạnh.
Du khách lênh đên trên những chiếc xuồng ba lá để tham quan, khám phá khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt. Ảnh: Quatangsenhong.
Rừng tràm Xẻo Quýt không rộng lớn như những rừng tràm khác ở miền Tây, song vẫn mang đặc trưng của vùng đầm lầy, ngập nước với những mảng rừng xanh hút mắt, tiếng chim rít rít chuyền cành hay tiếng cá đớp bóng dưới mặt nước.
Ngoài ra, đến đây du khách còn được dịp tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt qua những di tích lịch sử còn lưu lại ở căn cứ.
Rừng tràm U Minh Thượng
Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc địa phận huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 70 km.
Đến rừng U Minh vào mùa nước nổi, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp của “rừng thiêng nước độc” mà nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam.
U Minh Thượng là một khu rừng ngập nước rất đặc biệt, nằm trên một lớp than bùn dày khiến cho khu vực này có một màu đen. Để tham quan toàn bộ khu rừng, không có cách nào khác là du khách phải ngồi trên những chiếc xuồng len lỏi dọc theo những con rạch dẫn vào rừng.
Sắc xanh bát ngát của những cánh rừng tràm và sắc trắng hoang dã của cánh đồng cỏ lau ở vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Bùi Chiên.
Điểm đến thú vị ở U Minh Thượng mà du khách nhất định phải đến là Trảng Chim - nơi tụ tập của hơn trăm loài chim quý hiếm. Để đến Trảng Chim, bạn phải chinh phục những cây cầu khỉ cao lênh khênh, một đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ.
Ở U Minh không chỉ có cây tràm, mà xen lẫn vào những cánh rừng tràm là những cánh đồng lau sậy, tạo nên một bức tranh thiên nhiên màu sắc, vừa nên thơ vừa hoang dã.
Rừng tràm Vị Thủy
Cách thị xã Vị Thanh khoảng 9 km về hướng đông nam, rừng tràm Vị Thủy thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Với diện tích khoảng 200 ha, nơi đây trở thành khu sinh thái hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của vùng đầm lầy, ngập nước.
Cũng như những rừng tràm khác ở Nam Bộ, đến với rừng tràm Vị Thủy, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp của những cung đường rừng trên những chiếc xuồng ba lá nhỏ. Xung quanh là những cây tràm cao vút, bên dưới những mảng bèo xanh um phủ kín cả mặt nước. Khung cảnh thiên nhiên hoang dã mang lại một cảm giác trong lành, mát mẻ và yên tĩnh.
Sau khi du ngoạn thưởng thức cảnh đẹp rừng tràm, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản và nghe đờn ca tài tử để một lần thử sống cảm giác của người miền Tây sông nước.
Tác giả bài viết: Phước Bình
Nguồn tin: