Đoàn tàu chạy từ Hamburg (Đức) tới Đan Mạch lao sầm sập qua cánh đồng xanh mướt và rừng bạch dương với ánh nắng vàng lốm đốm xuyên qua lá cây, đưa đoàn du khách, trong đó có nhà báo Adam Graham, tới đất nước của những thi thể bị chôn vùi dưới bùn lầy hàng nghìn năm.
Những đầm lầy chứa xác chết có niên đại 2.000 năm về trước này được tìm thấy nằm dọc các nước bắc Âu, từ Ireland tới Phần Lan. Ảnh: Alamy.
Các nhà khảo cổ tin rằng, những thi thể này là nạn nhân bị giết chết và sau đó ném xuống các đầm lầy để thực hiện nghi lễ tế các vị thần. Họ thường là tội phạm, người nhập cư.
Đan Mạch là một trong những quốc gia có mật độ đầm lầy cao nhất thế giới và chứa người chết hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau 2.000 năm. Từ những năm 1800 đến 1960, Đan Mạch đã tình cờ phát hiện ra các thi thể này. Đây cũng là thời điểm quốc gia vẫn dùng than bùn để làm chất đốt.
Để hiểu rõ hơn về những cái chết bí ẩn này, nhà báo Adam đã đến Vejle, một thành phố nhỏ với hơn 100.000 người nằm ở phía đông nam bán đảo Jutland, cách Copenhagen 240 km về phía tây. Tại đây có khung cảnh tuyệt đẹp và cũng là nơi mà nhà khảo cổ học Mads Ravn - người đứng đầu bảo tàng Vejle sống. Ông là người giám sát một bộ sưu tập hấp dẫn gồm đồ tạo tác, trong đó có những đồng tiền từ thời La Mã, kiếm, trâm cài hình chữ vạn - những thứ được tìm thấy trong các đầm lầy, được dùng để dâng lên thần linh (trong đó có thần sắt).
Trò chuyện với Mads trong một căn phòng tối tăm phía sau bảo tàng, anh nhìn thấy thi thể của một phụ nữ người Haraldskær được đặt trong quan tài bằng kính. Các biểu hiện trên gương mặt của người phụ nữ này cho thấy sự choáng váng, sợ hãi và sốc. Adam cho biết, anh khá ngại ngùng khi phải đối diện với xác chết này.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, phần lớn thi thể dưới lớp bùn lầy đều bị giết một cách man rợ, một số còn lại bị tròng dây quanh cổ. Ảnh: Alamy.
"Cô ấy được phát hiện bởi một người đào than bùn trong đầm lầy vào năm 1835. Chúng tôi cho rằng cô ấy sống từ thế kỷ 10, thời đại nữ hoàng Gunhildd. Cô ấy bị chính chồng mình dìm cho đến chết", Mads vừa nói vừa lấy tay gãi vào bộ râu của mình.
Tuy nhiên Mads cũng nói thêm, thi thể này sau đó được xác định lại. Nó có niên đại ít nhất 2.200 năm trước. Người phụ nữ đã được tìm thấy trong tình trạng hoàn toàn khỏa thân, bọc trong một lớp áo choàng và bị dìm xuống đầm lầy, sau khi cô đã qua đời. Trong dạ dày của cô có đồ ăn và người ta tin rằng, đây là một bữa ăn cuối cùng và kỳ lạ của xã hội thời bấy giờ.
Điểm dừng chân tiếp theo của Adam là Aarhus, thành phố lớn thứ hai ở Đan Mạch và tới thăm bảo tàng Moesgaard. Nơi đây có linh cữu của một người đàn ông cũng được tìm thấy dưới đầm lầy. Cơ thể của ông được bảo quản gần như hoàn hảo dưới lớp bùn sâu, với làn da vẫn còn gần như nguyên vẹn, gương mặt thanh tú. "Đó là một người đàn ông đẹp", nhà khảo cổ Pauline Asingh cho biết.
"Anh ta đã bị trói đầu gối và cổ họng bị rạch bởi một người đứng từ phía sau. Nghe có vẻ bạo lực và man rợ, nhưng sự hiến tế là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân ở giai đoạn đó", Pauline Asingh nói thêm.
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình của nhà báo là thị trấn nhỏ Silkeborg, cách Aarhus 44 km. Tại bảo tàng Silkeborg trong thị trấn có thi thể một người đàn ông Tollund với niên đại 2.400 tuổi. Cơ thể của ông cũng không bị hư hại nhiều và được phát hiện vào năm 1950. Người này được cho là chết do bị treo cổ với dấu vết của những chiếc thòng lọng. Thi thể có đôi môi đầy đặn và Adam bị ấn tượng bởi nụ cười bí ẩn của xác chết.
Trong căn phòng tiếp theo ở bảo tàng là một người phụ nữ Elling, cô được tìm thấy cách người đàn ông Tollund 40 m. Cô được cho là cũng bị treo cổ, sở hữu mái tóc dài và đẹp.
Chuyến đi đã khép lại, nhưng đọng lại trong tâm trí Adam là những đầm lầy với màu sắc rực rỡ, bừng sáng dưới mặt trời, cạnh bụi cây rậm rạp. Những nơi này đã chôn dấu bí mật hàng ngàn năm về những hủ tục xưa cũ, tập tục tế thần và sự hiến tế đáng sợ. Các đầm lầy bảo quản mọi thứ nằm trong lòng nó hàng thiên nhiên kỷ, như một lời nhắc nhở về sức mạnh và quyền uy của nó trong thế giới cổ xưa.
Tác giả bài viết: Anh Minh