Du lịch

Nhớ món gỏi vả trộn ruột hến ở đất Thần Kinh

Sau một chuyến hành trình dài từ Cần Thơ đến Huế, đi thăm thú các di tích lịch sử nổi tiếng triều Nguyễn, đoàn chúng tôi ai nấy đều thấm mệt và bụng đói cồn cào nên vào một quán ăn ở ngay khu trung tâm TP.Huế với tấm biển thực đơn chỉ mới xem đã thấy là lạ: Gỏi vả trộn ruột hến.

Quả đúng như tấm biển quảng cáo. Khi cô phục vụ nhà hàng mang dĩa thức ăn bày trên bàn và cho biết đây là món gỏi vả trộn ruột hến, tôi chợt ngỡ ngàng vì cái tên thấy mới lạ, muốn hỏi cho tường tận thêm. Hiểu ý tôi muốn biết thêm thông tin về loài quả đặc trưng nơi đây, cũng như cách chế biến món ăn, cô phục vụ vui vẻ cho biết:

Cây vả thuộc họ sung, một loài cây hoang dã, người dân miền Trung thường trồng theo thói quen hơn là hiệu quả kinh tế. Cây có tán rộng, chiếm nhiều diện tích đất, lá to xòe ra như lá sen. Giống như cây sung, cây vả cũng cho trái và thường mọc từ thân cây, nhiều nhất ờ phần gốc. Nhưng trái vả to gấp đôi trái sung, vỏ xanh, ruột trắng, trong cùng là những hạt nhỏ li ti có màu hồng, có vị ngọt nhẹ, bùi, chứ không chát như trái sung.


Giống như trái sung thường mọc nhiều ở phần thân, gốc cây. Nhưng trái vả to hơn, có vị béo, bùi thơm ngon, không chát như trái sung.

Người miền Trung đã khéo léo biết cách chế biến trái vả thành nhiều món ăn ngon độc đáo như: Trái vả ăn sống, hoặc đem kho với thịt heo, bò, hầm sườn và giò heo, ngâm giấm, ... Và đăc biệt hơn cả là làm món gỏi vả trộn ruột hến.

Gỏi vả trộn ruột hến là món ăn dân dã, dễ làm và rất thích hợp trong những buổi tiệc tùng liên hoan giữa các bạn bè thân hữu, cũng như các bữa cơm chính trong gia đình ở Huế. Chỉ cần ra chợ mua hến về luộc chín, tách lấy phần thịt (khoảng 200 gram). Cho dầu vào chảo cùng với hành tím phi thơm rồi cho ruột hến vào xào săn lại cùng với gia vị (muối, đường, bột ngọt) cho vừa ăn, xúc ra dĩa, để sẵn.

Riêng phần quả vả phải nắm vững những bí quyết chế biến cơ bản để món ăn được ngon miệng. Chỉ cần chừng chục quả vả cho vào nồi nước đang sôi già, luộc tiếp khoảng 10 phút rồi dùng đũa xiên qua quả vả thấy được là chín. Vớt quả vả ra để nguội, dùng dao bén xắt miếng mỏng vừa ăn (có thể giã cho giập giập nhưng không quá nát cũng được). Cuối cùng, bắc chảo lên bếp, cho ruột hến cùng vả (đã sơ chế) vào chảo xào khoảng 5 phút. Nêm nếm gia vị lần cuối, thêm gia vị rau răm, húng quế cho thơm rồi rắc đậu phộng rang giã giập và trộn đều, múc ra dĩa.


Đĩa gỏi vả trộn ruột hến xúc bánh phồng tôm giòn thơm, bùi ngon, hấp dẫn.

Trong các món bày tại bữa ăn hôm đó, cô phục vụ quán khi bưng các chén nước mắm ớt chua ngọt, và dĩa bánh tráng mè nướng còn duyên dáng nở nụ cười ... rất Huế và dặn dò: Những món này dành để quí khách thưởng thức cùng món gỏi vả đó ạ!.

Ôi chao, thật là tuyệt! Nhìn đĩa gỏi vả trộn ruột hến với màu trắng ngà của bánh tráng mè nướng, bánh phồng tôm, màu xanh của rau, màu nâu của ruột hến cùng vả trộn, màu vàng của đậu phộng rang, màu đỏ của ớt, v.v... thật là bắt mắt. Cầm miếng bánh phồng tôm trên tay, xúc miếng gỏi vả trộn cho vào miệng nhai chầm chậm, tất cả hòa quyện thành một hương vị khó quên của đất Thần Kinh nơi đây.

Tác giả bài viết: Ba Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP