Trong nước

Nhìn thẳng vào yếu kém để khắc phục

Ngày 17-1, dự hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những nỗ lực ngành đạt được trong năm qua như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định (tăng trên 10%), xuất siêu cán đích 7,2 tỉ USD là con số kỷ lục...

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng "tồn tại, hạn chế của ngành còn nhiều hơn thành tích" và yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương và toàn ngành nhìn thẳng vào những yếu kém này để khắc phục. Thủ tướng đặt vấn đề môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện nhưng đã thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) chưa? Làm sao để các DN trong nước đầu tư mạnh mẽ?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: QUANG HIẾU

Đại diện cho DN tư nhân, ông Lê Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội Gelexinco, cho rằng DN đang gặp nhiều khó khăn về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Ông Lâm dẫn chứng về dự án nhiệt điện Thăng Long mà đơn vị này đầu tư ở Quảng Ninh phải mất 10 năm để làm các thủ tục cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, trong khi việc xây dựng chỉ mất 3 năm. Theo ông Lâm, trong bối cảnh nguồn vốn của nhà nước đang khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các nhà đầu tư. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, "cởi trói" cho DN để đầu tư thông thoáng hơn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh để khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thì Chính phủ, Bộ Công Thương cần có chính sách mua điện với giá tốt hơn so với các nguồn điện truyền thống. Ông cũng chỉ rõ nguy cơ Hà Nội sẽ thiếu điện vào năm 2020 nếu các dự án truyền tải không thực hiện theo tiến độ.

Đề cập kỷ luật, kỷ cương và nêu gương của cán bộ, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương kỷ luật hành chính, gắn trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo trong bộ, ngành với phương châm hành động của Chính phủ; thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ thực sự vì công việc, sáng tạo, đảm đương tốt nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định toàn ngành đã ý thức rất sâu sắc những bất cập, tồn tại của ngành mà Thủ tướng nêu. Người đứng đầu ngành công thương hứa với Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, biến các ý kiến chỉ đạo thành hành động cụ thể của ngành.

Chưa tận dụng được cơ hội

Một điểm yếu khác của ngành công thương được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra là tính liên kết giữa các DN, các lĩnh vực, các DN với khối FDI còn hạn chế, chưa tận dụng được cơ hội để tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh việc Cục QLTT được nâng cấp lên tổng cục, hàng ngàn cán bộ trên cả nước nhưng chưa làm tốt công tác khiến hàng giả, hàng lậu vẫn tràn lan, người dân bức xúc. Thủ tướng cũng quán triệt QLTT không được cản trở công việc kinh doanh, làm ăn của DN khi thực hiện công vụ.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP