Những ngày qua, các nhà hàng Hàn Quốc trên đường Phạm Văn Đồng rất vắng khách. |
Theo thống kê sơ bộ, hiện tại Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là 2 quận có số người Hàn Quốc tới du lịch, kinh doanh và cư trú nhiều nhất Đà Nẵng. Khó khăn trong việc quản lý cư trú đối với người Hàn Quốc là ngoài khách sạn, chung cư, nhiều người thuê nhà sống xen kẽ trong các khu dân cư.
Tại cuộc họp triển khai công tác rà soát cư trú, phòng chống dịch vào ngày 24-2 của Q. Sơn Trà, ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch UBND P. Phước Mỹ cho biết, hiện địa bàn phường có hơn 600 người cư trú, trong đó 82 người đến trong vòng dưới 14 ngày. Hiện tại phường yêu cầu các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú rà soát số lượng người Hàn Quốc trên địa bàn và người nước ngoài đang cư trú tại cơ sở mình và báo cáo thường xuyên. Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện nhiều người Hàn Quốc đến sống tại địa phương không đúng như trong thị thực của họ đã ghi ở hộ chiếu. Cũng theo ông Hùng, việc rà soát số lượng người Hàn Quốc để xác định họ có đến từ vùng dịch hay không cũng rất khó khăn do trong hộ chiếu không ghi đơn vị hành chính tỉnh. Chính vì vậy cán bộ làm công tác rà soát cơ bản cũng chỉ làm thủ công thông qua việc hỏi đáp, lấy thông tin trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, Thượng tá Phan Minh Mẫn - Trưởng CAQ Sơn Trà cho biết, trong những ngày qua, Công an các phường, Cảnh sát Khu vực đã tiến hành rà soát số lượng cũng như sự biến động về người Hàn Quốc, Trung Quốc sống trên địa bàn, cập nhật số liệu hàng ngày. Tính đến ngày 25-2, địa bàn quận có 2.678 người Hàn Quốc đang tạm trú. Cơ quan chức năng đã rà soát được 412 người có dấu nhập cảnh sau ngày 11-2-2020; không có trường hợp nào là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài về nước từ khi khởi phát dịch bệnh đang ở trên địa bàn quận. Rà soát người Hàn Quốc còn khó khăn hơn cả người Trung Quốc. CAQ giao nhiệm vụ cho các phường là đến 8 giờ 30 mỗi ngày phải cập nhật số liệu. "Con số thay đổi từng ngày đã đành, nhiều người Hàn Quốc họ không hợp tác khiến công tác rà soát gặp khó khăn. Mặt khác nếu không thực hiện các biện pháp bảo hộ thì có thể nguy hiểm cho mình trước, sau đó là nguy cơ cho cộng đồng. Còn thực hiện các biện pháp khi kiểm tra thì lại gây xáo trộn, lo lắng cho đời sống nhân dân", Thượng tá Mẫn cho hay. Trong thời điểm này, may mắn là lực lượng Công an nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền cũng như người dân. Đây là điểm then chốt để thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, phục vụ đắc lực cho việc phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Đắc Xứng - Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, người Hàn Quốc không ở các khách sạn mà chủ yếu là ở các khu chung cư, ở xen kẽ trong các khu dân cư đã từ lâu nên việc điều tra, giám sát đòi hỏi phải huy động tất cả cộng tác viên dân số, ban công tác mặt trận ở các tổ dân phố. "Quận chỉ đạo tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư là hàng ngày phải nắm tình hình ra vào, ở tại các nhà có người nước ngoài, có người Hàn Quốc thuê, tức là phải cập nhật hàng ngày để báo cáo cảnh sát khu vực. Chính quyền cũng kêu gọi, vận động cộng đồng dân cư, công dân trên địa bàn cung cấp các thông tin liên quan đến công tác lưu trú của người Hàn Quốc để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa", ông Xứng cho hay.
Trong khi đó, tại Q. Ngũ Hành Sơn, đến chiều ngày 24-2 có 1.480 người Hàn Quốc đang lưu trú, giảm 441 người so với một ngày trước đó. Trong số này có 253 người đến trong vòng dưới 14 ngày. "Quận cũng đã chủ động rà soát, yêu cầu các khách sạn, cơ sở lưu trú kiểm tra, làm việc trực tiếp với du khách để nắm thông tin cụ thể về địa phương họ lưu trú tại Hàn Quốc cũng như thời gian đến Đà Nẵng. Hiện chưa phát hiện người nào có các biểu hiện sốt hay những triệu chứng nhiễm dịch. Cơ bản thì họ cũng hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng", Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho biết.
Chiều 25-2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện và các đơn vị chức năng liên quan tổ chức rà soát nghiêm túc và lập danh sách các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày để thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định.
Tác giả: CÔNG KHANH
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng