Tin địa phương

Nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết tại Đà Nẵng hiện rất lớn

Thời tiết bất thường, mưa nắng đan xen là môi trường thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sốt xuất huyết phát sinh.

Để góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng trong thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chủ động phòng chống sốt xuất huyết, sáng nay (9/6), thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết và bệnh truyền nhiễm.

Các ngành, địa phương ở TP Đà Nẵng dự mit tinhphòng chống sốt xuất huyết và bệnh truyền nhiễm.

Từ đầu năm đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận hơn 960 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh hiện rất lớn, nhất là khi thời tiết mưa nắng thất thường, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ý thức phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Qua kiểm tra tại một số khu dân cư cho thấy, điều kiện ăn ở của người dân ở các khu vực nhà trọ, nhà chung cư còn tạm bợ, rác thải vứt bừa bãi, nhiều vật dụng chứa nước không được che đậy, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi, loăng quăng, phát sinh, phát triển.

Bà Nguyễn Thị Tư, ở số 53 đường Lê Đình Của, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) cho biết, gia đình thường xuyên quét dọn nhưng không nghĩ những chậu hoa đọng nước lại là nơi muỗi dễ phát sinh gây bệnh.

Ký cam kết hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết.

“Có mấy chum, chậu cây cảnh trong nhà. Nhưng từ lâu chủ quan cứ nghĩ để đó không ảnh hưởng chi hết. Bây giờ đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, cho biết nguyên nhân lây truyền bệnh, tôi sẽ dọn sạch, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình nữa”, bà Tư nói.

Nhiều người đều biết không có loăng quăng bọ gậy thì không có muỗi sốt xuất huyết. Thế nhưng, họ cứ nghĩ việc xử lý môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết là nhiệm vụ của cán bộ y tế và chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Khuế Trung, quận Cẩm lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương thường xuyên tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết thông qua hệ thống loa truyền thanh và trang website của phường nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

Diễu hành, tuyên truyền toàn dân phòng chống sốt xuất huyết.

“Ở địa bàn vẫn có một số người dân cứ nghĩ rằng diệt lăng quăng, bọ gậy, loại bỏ những vật dụng cũ hay dọn dẹp những khu vực có nguy cơ xảy ra lăng quăng bọ gậy là nhiệm vụ của chính quyền địa phương hay của cán bộ. Thứ hai nữa là, nhiều người cứ nghĩ rằng phòng chống sốt xuất huyết chỉ cần phun thuốc là hết. Vì thế, sắp tới chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức được rằng phòng chống sốt xuất huyết là việc của mình để bảo vệ mình và những người xung quanh”.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết giảm hơn so với cùng kỳ nhưng bệnh tay chân miệng và một số bênh truyền nhiễm khác như viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu, bệnh cúm…cũng xuất hiện và diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng tại thành phố Đà Nẵng.

Từ đầu năm đến nay, thành phố này ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc tay chân miệng, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, thời tiết mưa nắng bất thường, là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát sinh. Ngành Y tế tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ em; Tăng cường công tác giám sát, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để chủ động phòng các bệnh này./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP