Trong khu nghĩa trang cạnh thủ đô Cairo, Ai Cập, nơi được biết đến là Thành phố Chết chóc, sự sống và cái chết tồn tại song song. Giữa cơn khủng hoảng nhà tại Ai Cập, với dân số của thủ đô ước tính chạm mốc 20 triệu người, hàng nghìn người cảm thấy mình quá may mắn khi vẫn tìm được cho mình một chỗ ở tại Nghĩa trang Cairo.
Khung cảnh nơi người sống sinh hoạt trong khu nghĩa trang.
Với những người dân sống bên cạnh nghĩa địa, nơi yên nghỉ của hàng nghìn người qua nhiều thế kỷ, các ngôi mộ lại là nguồn sống của họ, mang đến công việc nuôi sống họ hàng ngày như chăm sóc mộ, đào mộ mới hoặc bán hoa cho khách đến viếng vào mỗi thứ sáu hàng tuần. Những người khác sống giữa các ngôi mộ thường là người làm đồ đồng hoặc dệt thảm. Họ bán các sản phẩm của mình ở Khan al Khaili, khu chợ du lịch ở Cairo.
Nhiều gia đình có đến hơn ba thế hệ từng sống ở đây, trong bối cảnh đất nước dân số bùng nổ tới 90 triệu người.
Cảnh gia đình đầm ấm trong khu Nghĩa trang Cairo.
"Sống cùng người chết thật dễ dàng và thoải mái", Nassra Muhamed Ali, 47 tuổi nói. "Chỉ những người đang sống mới có thể làm hại bạn". Nassra, hiện sống trong khu nghĩa trang cùng với hai người em trai và cô con gái 16 tuổi, cho biết nơi cô ở rất yên tĩnh và bình yên nhưng cũng có những mặt trái. Một số người đến từ nơi khác lợi dụng sự vắng vẻ quanh các ngôi mộ để sử dụng thuốc cấm và trộm cắp. Cha mẹ của Nassra chuyển đến đây ở ngay sau khi họ kết hôn và trở thành người chăm sóc nghĩa địa. Một vài người phải chuyển đến nghĩa trang vì bị đẩy khỏi khu trung tâm thành phố Cairo những năm 1950.
Đây là khu nghĩa trang lâu đời nhất trong thành phố, khoảng 1.000 năm tuổi, nằm gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Azhar. Những người yên nghỉ ở đây gồm cả các diễn viên nổi tiếng. Một người chăm sóc mộ thường được trả 19 USD cho mỗi ngôi mộ mới đào (đối với khách hàng là các gia đình nghèo khó) và số tiền có thể lên đến 63 USD khi gặp các khách hàng giàu có. Các phu đào huyệt chỉ nhận được khoảng 6 USD.
Người chăm sóc nghĩa trang đang đào phần mộ mới.
Người dân cũng có thể kiếm tiền từ việc làm thợ cắt tóc. Họ cắt tóc cho những người đến đây viếng mộ. Những người khác bán rau củ tươi và sữa.
Hisham, một thợ dệt thảm đã tới khu vực này từ 45 năm trước cùng với mẹ của mình. Ông sống ở đây từ đó, làm việc để nuôi lớn 4 cậu con trai ăn học. Ihab, một trong những người con của ông hiện đã có bằng đại học ngành Công nghệ thông tin.
Một nữ cư dân ở đây chia sẻ bà từng đến thăm hai cô con gái đang sống ở các khu ổ chuột ngoại ô Cairo. Bà thấy rằng khu nghĩa trang này còn tốt hơn nhiều.
Tác giả bài viết: Như Bình