Du lịch

Nghệ An: Đền Rầm đang dần trở thành "phế tích"?

Ở Nghệ An có một ngôi đền nổi tiếng là đền Rầm. Đây là ngôi đền được công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật Quốc gia có tuổi đời gần 200 năm. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngôi đền đang đứng trước nguy cơ thành “phế tích” khi bị lãng quên trong suốt thời gian dài.

Đền Rậm, ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, có khuôn viện rộng trên 10.000 m2, đền được xây dựng vào năm 1831, đây là nơi thờ tự các vị Thần, Phật, tướng thời Lê Lợi như: Lê Lô, Cao Sơn, Cao Các... Khu đền là quần thể các di tích, nghệ thuật độc đáo như: nhà thánh, chùa, nhà tế quan, hữu vu, hạ điện, trung điện, thượng điện… Đền Rậm được chạm trổ công phu, nhiều mảng chạm thể hiện trên cùng một thân gỗ có độ kênh tương đối lớn, với nhiều chi tiết được kết hợp giữa bong kênh và lộng nét chạm tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ở các vì kèo, các đường xà, cốn, đầu dư, đầu bẩy... đều được chạm trổ thể hiện nhiều đề tài phong phú như: cá vượt vũ môn, cá chép hoá rồng, lượng long triều phúc, mai hoá long ly...
images1823742 a1
Di tích kiến trúc – nghệ thuật Quốc gia đền Rậm, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo các vị cao niên ngoài việc thờ các vị thần, nhận vật lịch sử thời Lê Lợi, đền Rậm còn là nơi các nhà chí sỹ yêu nước như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong hoạt động những năm đầu thế kỷ XX. Năm 2008, đền Rậm được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia.

Có mặt tại đền Rậm, vào những ngày đầu năm 2017, chúng tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến cảnh di tích lịch sử này đang bị “bỏ rơi”. Xung quanh khu vực đền cây cỏ mọc um tùm, phía trong các tòa hạ điện, trung điện, thượng điện cột gỗ, xà làm bằng gỗ được chạm trổ tỉnh xảo, bị hư hỏng, mối mọt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều hạng mục của ngôi đền giờ chỉ còn lại một vài dấu tích nằm xen lẫn giửa cây, cỏ dại.

Cụ Phạm Hồng Kỳ (85 tuổi), môt trong những người quản lý tại khu đền, xót xa: “Tôi sống ở đây từ nhỏ nên biết rất rõ, đền Rậm trước đây rất lớn, các công trình đều được chạm trổ tinh xảo. Những năm gần đây do bị ngập lụt, bị cháy, thiếu kinh phí tu sửa nên nhiều hạng mục của đền bị mối mọt, hư hỏng, có nguy cơ đổ sập”.

2images1823744 a2
Nếu không trùng tu, sửa chữa kịp thời sẽ có nguy cơ trở thành “phế tích”.

Theo đánh giá của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thì dù cảnh quan và tổng thể kiến trúc của di tích xưa đã có sự thay đổi, mất mát, hư hỏng nhưng những di tích còn lại của đền Rậm có giá trị lớn lịch sử văn hoá- kiến trúc nghệ thuật. Được biết, để cứu di tích này năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An, đã phê duyệt dự án với số tiền khoảng 17 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc mà tới nay sau 05 năm dự án này vẫn nằm trên giấy. Hệ quả, là di tích kiến trúc – nghệ thuật Quốc gia đền Rậm, có tuổi đời gần 200 năm đang dần trở thành “phế tích”.

Ông Phan Văn Tâm, trú xóm 2, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, lo lắng: “Khi nghe có dự án trùng tu, tôn tạo di tích, người dân chúng tôi ở đây ai cũng mừng. Thế nhưng, mấy năm rồi không thấy ai đã động làm gì hết. Lo lắng, người dân hỏi thì xã bảo chưa có kinh phí. Nếu không trùng tu, sửa chữa kịp thời thì ít năm nữa thì di tích sẽ mối mọt, đổ sập hết”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, Khu đền có 5 người tham gia trực tiếp trông coi, don dẹp, hướng dẫn khi có người dân tới thắp hương, tham quan. Thế nhưng do không có kinh phí nên mỗi tháng mỗi người chỉ được hộ trợ số tiền 30.000đ/tháng?

Trao đổi với PV, ông Phan Đình Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, cho biết: Di tích đền Rậm, hiện nằm trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2012, dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được tỉnh Nghệ An, phê duyệt, nhưng do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Hiện, để đề phòng một số hạng mục của di tích, hư hỏng, đổ sập, hàng năm chúng tôi đều xin tỉnh kinh phí tu bổ nhưng nguồn cấp về rất nhỏ giọt, không đủ trang trải, sửa chữa.

Tác giả bài viết: P. Tuân – N. Đức
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP