Tại phiên thảo luận hội trường, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đã giải trình về các nội dung trong tờ trình tăng học phí trước các đại biểu. Theo đó, mức thu học phí mới sẽ được phân là 4 vùng gồm TP Vinh, thị xã Cửa Lò, vùng nông thôn và vùng miền núi. Trong đó thị xã Hoàng Mai và thị xã Thái Hòa vừa mới thành lập, vẫn còn khó khăn nên đề nghị xếp hai địa phương này vào vùng nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An giải trình về mức tăng học phí tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nghệ An vào ngày 4/8.
Mức thu trần thu học phí tăng lên 50% so với quy định cũ. Sau khi nghiên cứu chỉ số giá tiêu dùng, mức thu nhập của người dân, mức thu nhập của giáo viên... Sở GD-ĐT Nghệ An đề nghị điều chỉnh mức thu tăng 50% học phí đối với học sinh vùng TP Vinh, thị xã Cửa Lò tăng 40%, vùng nông thôn tăng 43%, vùng miền núi tăng 25%.
Một số đại biểu cho rằng một số khoản thu là quá cao, cụ thể như bậc mầm non khu vực TP Vinh (235.000 đồng/tháng), vùng miền núi 50.000 đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay, mức thu học phí mầm non TP Vinh đã ổn định từ năm 2011 đến nay, mặt khác, cần có sự tương đối trong mức thu giữa các trường công lập tự chủ một phần tài chính và các trường tư thục, tránh để chênh nhau quá lớn. Bên cạnh đó, tăng học phí cũng là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán quá tải ở bậc học này trong khi ngân sách còn nhiều khó khăn.
Mức thu học phí mới đối với vùng miền núi mặc dù tăng thêm 10.000 đồng nhưng theo quy định mới thì học sinh thuộc đối tượng con em dân tộc thiểu số (trước đây chỉ có con em dân tộc thiểu số ít người) sẽ được giảm học phí đến 70%. Do vậy, tăng học phí cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến học sinh dân tộc thiểu số.
Mức thu học phí mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến học sinh dân tộc thiểu số do các em được giảm 70% học phí, trong khi đó quy định cũ chỉ giảm cho học sinh dân tộc thiểu số ít người.
“Thực tế đúng là mức học phí ở Nghệ An cao hơn một số địa phương khác như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi… Tuy nhiên các địa phương này nguồn thu ngân sách rất lớn, không có miền núi, vùng sâu, vùng xa, và đủ cấp bù cho giáo dục, hơn nữa xã hội hóa giáo dục họ làm tốt hơn. Trong khi đó, theo Luật giáo dục đến năm 2025 thì học phí phải đảm bảo chi lương cho giáo viên.
Điều chỉnh học phí lần này, chênh lệch học phí cũ và mới, thu được 67 tỉ 929 triệu đồng/năm, trừ khoản miễn giảm, sau miễn giảm, cải cách tiền lương còn gần 14 tỷ đồng dành cho đầu tư hơn 1.600 cơ sở giáo dục, điều tiết từ học phí thì không đáng là bao”, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân Nghệ An cũng phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, hạn hạn kéo dài, ảnh hưởng từ vụ ô nhiễm môi trường biển ở Vũng Ánh (Hà Tĩnh), việc tăng học phí sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng nên quy định mức thu phí xây dựng thay thế hình thức thu xã hội hóa như hiện nay.
Các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An biểu quyết không thông qua Nghị quyết về tăng học phí của Sở GD-ĐT.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng tăng học phí cần phải phù hợp với phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân, tăng từng bước, từng năm và theo từng lộ trình. “Sau khi cân đối còn thiếu thì xin phép HĐND tỉnh cho cấp đủ một số ngân sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục”, Chủ tịch UBDN tỉnh Nghệ An nói.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu: “Muốn nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu dạy học thì cần phải có sự đầu tư. Tuy nhiên mức tăng học phí phải phù hợp với thu nhập của người dân”. Do vậy ông Sơn đã đề nghị các đại biểu biểu quyết về tờ trình về mức thu học phí mới của Sở GD-ĐT Nghệ An.
Các đại biểu biểu quyết nhất trí chưa thông qua nghị quyết về mức thu học phí, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, các cơ sở giáo dục tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục thu học phí theo quy định cũ trong năm học mới này.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam