Du lịch

Nghệ An chấn chỉnh tình trạng dâng sao giải hạn

Việc dâng lễ để cúng sao, giải hạn cầu mong một cuộc sống bình an, may mắn trong năm mới là tín ngưỡng dân gian của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, tại nhiều đền, chùa ở Nghệ An, hoạt động giải hạn được tổ chức khá nhộn nhịp với nhiều hình thức khác nhau.

Lễ dâng sao giải hạn thường bắt đầu từ sau ngày mồng Một tết và kéo dài đến hết tháng Ba (âm lịch). Theo quan niệm dân gian, hàng năm mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại. Trong 9 ngôi sao thì có sao tốt, sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... (người ta gọi là vận hạn). Để giảm nhẹ vận hạn, người xưa thường làm lễ cúng dâng sao giải hạn vào ngày đầu năm. Dâng sao giải hạn, bắt đầu phát triển từ khoảng hơn 5 năm trở lại đây và ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản.

Phổ biến nhất vẫn là giải hạn ở đền, hoặc điện. Để giải hạn tại đây, đơn giản thì mỗi người chỉ cần nhờ một thầy viết sớ rồi trực tiếp cúng và giải hạn. Cầu kỳ hơn, một nhóm từ vài người đến vài chục người sẽ tập hợp nhau lại và cùng thuê một thầy để tiến hành giải hạn. Quy trình giải hạn có nhiều bước, thủ tục tuy nhiên trong giải hạn thứ không thể thiếu đó là cúng và hóa vàng mã. Ít thì chỉ một hình nhân thế mạng, nhiều hơn là có thêm thuyền giấy, ngựa giấy...

giaihan
Nhiều người thường làm lễ dâng sao giải hạn dầu năm. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Ở đền Hồng Sơn, thành phố Vinh, theo quy định của đền (đã được niêm yết), mỗi một lần giải hạn là 150.000 đồng. Hiện ở đền có 5 thầy đăng ký và làm giải hạn thường xuyên. Nhà đền yêu cầu nếu các thầy làm giải hạn tại đền phải tuân theo quy định và ban quản lý sẽ thu một phần kinh phí trên tổng số tiền mà các thầy thu từ người giải hạn.

Nói về việc đề ra kinh phí, ông Hồ Quang Tiến, Phó Ban quản lý đền chia sẻ: Thực ra, việc niêm yết phí giải hạn sẽ tạo điều kiện cho người dân trong quá trình giải hạn, tránh tình trạng người dân bị các thầy tự ý nâng giá... Nhờ cách làm này, nên hoạt động giải hạn ở đền Hồng Sơn những năm gần đây đã quy củ hơn. Ban quản lý đền cũng đã lập biên bản và xử lý một số trường hợp các thầy tự ý thu cao hoặc nâng mức giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Quang Tiến, do đa số người dân có tâm lý đã đến đền chùa, đến nơi tâm linh không mặc cả, không thắc mắc nên vẫn bị các thầy lợi dụng. Đặc biệt, không nên quá “mê tín” mà bỏ quá nhiều tiền, của để giải hạn, giải các sao xấu.

Chị Minh Tin, phường Cửa Nam, thành phố Vinh cho biết: Trước kia, tôi chưa biết nhiều về giải hạn. Tuy nhiên, từ khi lấy chồng, được các chị bạn “mách nước” nên năm nào chị cũng đăng ký để được làm lễ giải hạn đầu năm. Qua tìm hiểu năm 2017, cả gia đình chị đều vướng sao “Thái Bạch”. Vì vậy, bên cạnh việc nộp phí giải hạn chung là 250.000 đồng/hộ chị còn mua thêm 4 hình nhân thế mạng để cắt sao cho 4 thành viên trong gia đình. Để được giải hạn sớm, chị cũng phải đăng ký từ trước Tết và mãi đến ngày 19/1 (âm lịch) thầy mới xếp được lịch.

Tại đền Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, khách đến dâng lễ đầu năm chủ yếu là xin giải hạn. Vì vậy, nhiều năm nay hoạt động giải hạn diễn ra khá lộn xộn. Có thời điểm, do các thầy giải hạn quá nhiều, mỗi thầy lập đàn ở một điện nên chiếm hết diện tích, ảnh hưởng đến những người đi dâng hương. Để chấn chỉnh tình trạng này, năm nay Ban Quản lý đền Hoàng Mười, không cho các thầy làm lễ giải hạn ở khu thượng điện nhằm tạo mọi điều kiện cho nhân dân đến dâng hương, lễ đầu năm. Mà chỉ cho phép các thầy tổ chức giải hạn vào ban đêm để không ảnh hưởng đến người đi lễ.

Ban quản lý đền cũng đã xem xét kỹ tư cách của các thầy đăng ký nhận giải hạn; chỉ cho những người có uy tín, có kinh nghiệm đến hoạt động tại đền. Những người lợi dụng đền để xem bói, bốc quẻ đều bị nghiêm cấm. Ban quản lý đền cũng thường xuyên nhắc nhở người dân trong quá trình mua lễ, vàng mã; đề nghị họ không nên quá lãng phí, vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Cũng nhờ những việc làm quyết liệt này nên đến đền Hoàng Mười năm nay, mọi hoạt động dâng lễ đầu năm được tổ chức trật tự, đúng quy củ. Tình trạng lộn xộn trước và trong cửa đền cơ bản đã không còn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyền Đình Tường, Phó Trưởng ban quản lý đền Hoàng Mười nói rằng: Dâng sao giải hạn vốn theo phong tục tập quán của người phương Đông và xuất phát điểm là một tục lệ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, đi giải hạn, đơn giản cầu để lòng được bình an. Còn cho rằng giải hạn để cầu lộc, cầu tài là không có căn cứ. Cũng đừng vì vậy mà cho rằng cứ “mâm cao cỗ đầy” là giải được hạn. Tất cả phải được xuất phát từ tâm, từ đạo của mỗi con người.

Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP