Tin địa phương

Ngày thứ hai xử vụ án “buôn lậu” gỗ trắc: Việc giám định lô gỗ sai luật

Ngày 15/8, tại Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng, phiên tòa sơ thẩm xử vụ án “buôn lậu” gỗ trắc tiếp tục xét hỏi tập trung vào lô gỗ nhập khẩu. Lời khai tại tòa cho thấy, việc giám định lô gỗ làm căn cứ khởi tố vụ án và truy tố các bị cáo là sai luật.


Phiên tòa được điều khiển công khai, dân chủ. Khi xét hỏi từng bị cáo, để làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án, Chủ tọa phiên tòa điều khiển để các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, luật sư, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đặt câu hỏi và cả các bị cáo khác cũng được phép đặt câu hỏi.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng đặt khá nhiều câu hỏi, tuy nhiên cũng khiến ông Trương Huy Liệu đôi lúc phải nói trước tòa: “Thưa Hội đồng xét xử, vị đại diện chưa hiểu luật pháp nước ta, đề nghị vị đại diện xem lại các quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ theo hợp đồng là nhận tại cửa khẩu Lao Bảo, thì luật pháp nước ta quy định, Công ty Ngọc Hưng phải khai báo hải quan đầy đủ và chịu trách nhiệm từ đó vào trong nước ta nhưng vị đại diện lại hỏi một số nội dung ở đất nước Lào”.

Khi được hỏi về lô gỗ bị thu giữ vào ngày 29/12/2011, tại sao từ tháng 4 đến tháng 8/2012, Công ty Ngọc Hưng còn nhiều lần chuyển trả tiền lô gỗ cho doanh nghiệp Lào? Ông Liệu trả lời: “Chúng tôi mua và đã nhận gỗ thì phải trả tiền, nguyên tắc thương mại phải thế”.

Ông Nhi (trái) đặt câu hỏi cho ông Liệu.

Về lô gỗ được Công ty Ngọc Hưng mua từ Lào và làm hợp đồng bán sang nước thứ 3 chỉ hơn 30 tỷ đồng, cơ quan điều tra bán đấu giá trái luật hơn 63 tỷ đồng, vị đại diện hỏi, tại sao bị cáo cho rằng lúc bán đấu giá là có giá hơn 300 tỷ? Ông Liệu trả lời: “Vì theo thời giá, Công ty Ngọc Hưng mua bán cuối năm 2011, còn bị bán đấu giá đầu năm 2014. Nếu được trả lại lô gỗ, chúng tôi sẽ bán giá hơn 300 tỷ”.

Vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng, giám định đã cân lô gỗ và cứ 1.000 kg đổi ra 1 m3 gỗ xẻ và cáo trạng công nhận con số này để quan tâm đến lợi ích cho Công ty Ngọc Hưng, bởi nếu quy ra gỗ tròn thì còn phải nhân lên 1,6 lần sẽ ra số lượng gỗ lớn hơn. Ông Liệu trả lời: “Gỗ xẻ nộp thuế 20%, còn quy ra gỗ tròn phải nhân lên 1,6 lần nhưng thuế nộp chỉ 10% nên không thể nói quy ra gỗ xẻ để quan tâm đến Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, việc quy đổi như giám định và cáo trạng lấy đó làm căn cứ truy tố là sai luật. Trước tòa, đề nghị không nói chuyện tình cảm mà đề nghị căn cứ pháp luật để làm cho đúng”.

Về việc giám định lô gỗ, khi trả lời trước tòa, ông Trương Huy Liệu cùng vợ Trần Thị Dung và các bị cáo khác đều cho rằng “không đúng quy định của pháp luật”. Các bị cáo nêu lên 03 nội dung sai luật để khẳng định kết luận giám định không có giá trị pháp lý, lấy đó làm căn cứ cáo buộc là gây oan sai.

Thứ nhất, cơ quan giám định là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp. Theo Quyết định số 204/VKH-QĐ ngày 03/4/1990 của Viện Khoa học Việt Nam về việc thành lập Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì Viện này không có chức năng xác định quy cách, khối lượng, số lượng gỗ. Cho nên, ngày 22/8/2012, Viện gửi Công văn số 590/STTNSV, đề nghị Kiểm lâm vùng II phối hợp thực hiện việc giám định lô gỗ. Rõ ràng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không phải là cơ quan tố tụng, mà trưng cầu Kiểm lâm vùng II giám định là vi phạm pháp luật, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp.

Thứ hai, vì cả Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng Kiểm lâm vùng II không có chức năng giám định tư pháp nên thực hiện không đúng phương pháp xác định khối lượng gỗ theo quy định. Công ty Ngọc Hưng mua bán lô gỗ ở thời điểm áp dụng quy định tại Điều 6 Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định khối lượng. Theo đó, đối với gỗ tròn (tận dụng gốc, cành, ngọn), Công ty Ngọc Hưng đo và tính ste rồi quy đổi cứ 1 ste bằng 0,7m3 nên có khối lượng 535,8 m3. Còn Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng Kiểm lâm vùng II lấy một lượng lớn gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp, gỗ xẻ thanh đem cân trọng lượng rồi quy đổi cứ 1.000kg bằng 1m3 gỗ xẻ để ra 614,672m3 là không đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã từng được Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) trưng cầu giám định lô gỗ để ngày 12/3/2012 có Biên bản kết luận giám định số 151/STTNSV ra khối lượng 413,598m3. Nhưng đến ngày 27/7/2012, C44 có Quyết định trưng cầu giám định số 01/C44(P4) về việc trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định “để xác định quy cách, khối lượng, số lượng lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng”. Từ đây, xuất hiện Kết luận giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: “Toàn bộ lô gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng là 614,672m3” để cáo trạng lấy làm căn cứ buộc tội. Tuy nhiên, theo Luật Giám định tư pháp thì Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không được giám định lại trong trường hợp này vì đã giám định lần đầu ra con số sai. Cho nên, việc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện giám định lại theo Quyết định trưng cầu giám định số 01/C44(P4) ngày 27/7/2012 của C44 là vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Trường Thành (đứng bìa phải) hỏi ông Nhi dẫn đến cung cấp tài liệu mới cho tòa.

Cuối buổi chiều, Luật sư Nguyễn Trường Thành hỏi ông Đỗ Lý Nhi đã phát hiện cuộc giám định thứ ba của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về “phân loại” lô gỗ. Cuộc giám định thực hiện theo yêu cầu của Cục điều tra chống buôn lậu để ngày 12/3/2012 có Biên bản kết luận giám định cho rằng, lô gỗ không chỉ hoàn toàn gỗ trắc như Công ty Ngọc Hưng khai báo mà còn có 21,505 m3 gỗ giáng hương. Kết quả này của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật dựa vào giám định 16 mẫu gỗ thu giữ ngày 17/01/2012.

“Tại tòa hôm nay, ông Liệu vẫn khẳng định lô gỗ chỉ toàn gỗ trắc, còn cáo trạng lại cáo buộc có 23,828 m3 gỗ giáng hương. Trong khi lô gỗ đã bị bán mất nên chúng tôi xin cung cấp tài liệu, đề nghị Hội đồng xét xử cho thu thập các mẫu gỗ này để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”, Luật sư Thành đề nghị.

Tác giả: Sáu Nghệ

Nguồn tin: lsvn.vn

  Từ khóa: buôn lậu , Xét xử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP