Những chùm trâm dày đặc trái trên cành ở vùng núi Tô - Ảnh: N.T.Đăng
Thứ trái dại màu tím ấy cũng không biết tự khi nào đã trở thành món quà quê mộc mạc, ra khỏi vùng đồng quê sơn cước về với những phố thị xa xôi...
Hằng năm, từ khoảng tháng 4 đến tháng 7, trâm núi Tô lại vào mùa trái chín. Về Tri Tôn mùa này, ra khỏi nội ô thị trấn, xuôi theo tỉnh lộ 15, trong đoạn đường dài khoảng 3km (thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) du khách dễ dàng nhìn thấy những cây trâm đang dày đặc những chùm trái chín tím sẫm trên cành.
Thi thoảng còn có những cây ra trái muộn đang nở đầy hoa trắng, hứa hẹn mùa trái sum sê...
Ở núi Tô, trâm nhiều vô kể, đa số chỉ là cây mọc hoang. Trâm mọc thành vườn dưới chân núi Tô, trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, trâm mọc thành hàng ven đường tỉnh lộ...
Trâm trên ruộng đồng giữ bờ đê thêm vững chắc, tỏa bóng mát làm nơi trú nắng, nghỉ ngơi cho những người nông dân giữa buổi lao động trên đồng. Trâm bên hè, hay trước sân nhà là nơi đám trẻ thường tụ tập vui chơi, hay hát đồng dao con nít...
"Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng"... Để rồi với loài trâm dân dã ấy làm nên bao kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp, nhớ mãi bên đời.
Dù không phải là nơi sống thời thơ ấu, nhưng khi về ngồi dưới tán trâm núi Tô, vít nhánh hái những chùm trái tím, ăn những trái chín mọng ngọt ngào mà cảm giác như đang về với miền ký ức một thời.
Thứ trái dại cơm thì mỏng, hạt lại to, trái vừa chín tới thì vừa ngọt vừa chát... nhưng sao lại mê hoặc bọn học trò thời tiểu học chúng tôi đến thế. Có lẽ nó là thứ vừa rẻ vừa thơm vừa có màu tím bắt mắt.
Thuở ấy trâm được bán ở cổng trường học của chúng tôi. Những mảnh lá chuối quấn lại thành hình phễu, xúc mớ trái trâm chín vào, bỏ thêm ít muối ớt. Vị ngọt, mặn, cay, chát cùng với mùi thơm quyến rũ quyện vào nhau thật tuyệt vời.
Vừa ăn vừa hít hà và thè lưỡi tím rịm “nhát ma” lũ bạn, bị mấy đứa con gái chọi hột trâm vừa ăn xong vào áo trắng, dính những đốm màu tím, mới giật mình lo sợ về nhà bị mẹ rầy...
Về núi Tô mùa này, du khách có thể tự mình hái những trái trâm chín mọng tím ngắt bên lộ, hay mua trâm của chị người Khmer đang ngồi bán bên đường để thưởng thức tại chỗ hay làm quà quê mang về.
Màu tím ấy như màu mực học trò thời vụng dại. Vị ngọt chát và mùi thơm ấy vun bồi thêm tình yêu xứ sở, lưu vào một góc tâm hồn... Càng nôn nao khi biết ở TP.HCM, trâm vùng núi Tô đang có bán nhiều bên đường Nguyễn Văn Linh, gần chợ đầu mối Bình Điền (Bình Chánh).
Với tôi, thấy trái trâm là lòng nghe nao nao kỷ niệm tuổi thơ. Chợt nhớ về mấy câu đồng dao mộc mạc: “Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có duyên, đồng tiền có lỗ...”
Vườn trâm dưới chân núi Tô - Ảnh: N.T.Đăng
Trâm có nhiều trên những cánh đồng núi Tô - Ảnh: N.T.Đăng
Một cây trâm ở núi Tô dày đặc hoa, hứa hẹn mùa trái sum sê - Ảnh: N.T.Đăng
Hoa trâm - Ảnh: N.T.Đăng
Chùm trâm chín mọng - Ảnh: N.T.Đăng
Người phụ nữ Khmer bán trâm chín bên đường ở núi Tô - Ảnh: N.T.Đăng
Tác giả bài viết: Nguyễn Thiên Đăng