Trong nước

Ngân hàng Nhà nước chưa có dấu hiệu tội phạm trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng ở Oceanbank

Bản kết luận điều tra của bộ Công an đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm cũng như việc thực hiện chức năng nhiệm vụ thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong thương vụ thất thoát 800 tỷ đồng của PVN ở Oceanbank.

ơ quan CSĐT bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, gửi hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Theo đó, ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 5 bị can khác cũng bị truy tố cùng tội danh, gồm: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức, cùng nguyên là thành viên HĐTV PVN. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, bị đề nghị truy tố cả 2 tội: Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Đinh La Thăng.

Theo kết luận điều tra, năm 2006, PVN được Chính phủ cho phép thành lập 1 ngân hàng cổ phần dầu khí. Trong đó, PVN nắm giữ 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục để thành lập ngân hàng Hồng Việt, nhưng đến năm 2008, PVN chuyển sang phương án góp vốn mua cổ phần của Oceanbank.

Dù biết rõ tình hình tại Oceanbank hoạt động kém hiệu quả, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cân đối nguồn vốn, nhưng ông Đinh La Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban Điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định Oceanbank hay tính toán đến phương án khả thi khi góp vốn.

Ông Đinh La Thăng đã không thông qua HĐQT mà đã ký hợp đồng thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch Oceanbank khi đó, cũng không báo cáo với Thủ tướng theo quy định. Sau khi ký thỏa thuận, ông Đinh La Thăng tiếp tục có chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn vào Oceanbank cũng chưa có chỉ đạo của Thủ tướng. Việc làm của ông Đinh La Thăng là trái các quy định tại Nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại Oceanbank.

Theo kết luận điều tra, căn cứ vào Sổ công văn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hải Dương và Thanh tra, giám sát NHNN tỉnh Hải Dương thì trong thời gian tăng vốn theo văn bản số 6382/NHNN-TTGSNH ngày 23/8/2010, Oceanbank không có báo cáo nào về việc tăng vốn điều lệ đã thực hiện được (từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng); việc này cũng không quy định cụ thể về thời gian phải báo cáo theo Thông tư số 06/2010/TT-NHNN.

Chỉ sau khi hết hiệu lực (tháng 9/2011) của văn bản số 6382 thì đến ngày 20/2/2012, NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương mới nhận được báo cáo số 53/2012/CV-Oceanbank ghi ngày 8/2/2012 của Oceanbank báo cáo về việc đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và chưa thực hiện được tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng theo kế hoạch.

Tài liệu điều tra đến nay chưa đủ căn cứ xác định hành vi liên quan của các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chi nhanh tỉnh Hải Dương có dấu hiệu tội phạm.

Tiếp đó NHNN đã có báo cáo số 1268/NHNN-HAD1 ngày 15/11/2011 gửi Chủ tịch HĐQT Oceanbank, báo cáo số 03/NHNN-HAD1 ngày 15/1/2012 giám sát và phân tích quý IV/2011 và báo cáo số 594/HAD-TTGSNH ngày 29/5/2012 đánh giá xếp loại Oceanbank năm 2011, NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương đã chấm điểm và trừ 03 điểm đối với chỉ tiêu vốn tự có của Oceanbank do Oceanbank chưa tăng đủ vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và không kịp thời thực hiện giải pháp theo yêu cầu của văn bản.

Thực hiện Quyết định thanh tra số 113/QĐ-TTGSNH1.m ngày 11/5/2012, cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng đã tiến hành thanh tra đối với Oceanbank và ngày 27/12/2012 đã ra kết luận thanh tra số 427/KL- TTGSNH1.m, trong đó có nội dung kiến nghị Oceanbank phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông là tổ chức kinh tế xuống mức không quá 15% vốn điều lệ của Oceanbank, trong đó có PVN; chậm nhất đến ngày 30/6/2013, Oceanbank phải thực hiện các việc nêu trên.

Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được xác định: Việc Oceanbank tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và để cổ đông là PVN sở hữu 20% vốn điều lệ là trái với quy định tại khoản 2, Điều 55, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011).

Tài liệu điều tra đến nay, chưa đủ căn cứ xác định hành vi liên quan của các cá nhân tại NHNN Việt Nam và chi nhánh tỉnh Hải Dương có dấu hiệu tội phạm.

Tác giả: Xuân Nguyễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP