Du lịch

Một ngày khám phá làng nghề ở Bến Tre

Làng nghề xã Phú Lễ, những con đường quanh co rợp bóng cây... là những điểm đến thú vị dành cho những người yêu thích khám phá văn hóa và cuộc sống dân dã, trù phú miền Tây.


Xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cách TP.HCM khoảng 200 km. Bạn sẽ có cảm giác thoải mái với đường rộng rãi, dễ đi. Xã có khoảng 500 hộ dân, cuộc sống rất bình yên và có tính cộng đồng cao.

Đến với tỉnh cù lao này, bạn có thể tạm xa ồn ào, bon chen của cuộc sống đô thị để tham quan, tìm hiểu về đời sống sản xuất của người dân. Đình được xây từ năm 1826, gồm 10 gian, trong khuôn viên có hàng trăm cây cổ thụ. Đình chính có võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường, hậu đường, lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, sơn son, thếp vàng.

Xã Phú Lễ nổi tiếng với hình thức diễn xướng sắc bùa trừ tà đầu năm mới, đem lại may mắn cho gia chủ. Hình thức này chỉ biểu diễn dịp Tết Nguyên đán

Đội hát chỉ đến nhà khi có yêu cầu của gia chủ. Họ trình diễn các khúc hát hát mở cổng, mở cửa, hát góp vui chúc nghề. Hình thức diễn xướng sắc bùa có từ thế kỷ 18, và chỉ còn ở xã Phú Lễ. Nhạc cụ gồm đàn cò, trống cơm, sinh tiền, sinh cái.

Đến Phú Lễ, bạn có thể tham quan những hộ làm nghề thủ công truyền thống như đan lát mây tre.

Những nghệ nhân khéo léo tạo ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt.

Ở đây còn có nghề làm rượu gần 200 năm. Rượu Phú Lễ đã nổi tiếng khắp cả nước từ lâu, được coi là một trong tam đại danh tửu của miền Tây gồm rượu Phú Lễ, rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) và rượu Gò Đen (Long An). Ngày xưa từng là loại rượu tiến vua chúa.

Trải qua bao nhiêu năm người dân Phú Lễ vẫn giữ được nghề truyền thống để cho ra đời sản phẩm rượu Phú Lễ vang danh khắp các vùng miền trong cả nước.

Men hồ làm rượu truyền thống của Phú Lễ được làm từ 36 vị thuốc Nam và thuốc Bắc, quyện cùng nếp mùa Ba Tri - được mệnh danh là một trong những loại nếp ngon nhất Đồng bằng sông Cửu Long - và nước tinh khiết RO.

Nghệ nhân Ba Dân đã có hàng chục năm làm men hồ ủ rượu. Ông tiết lộ, men hồ có những vị thuốc dân dã như giềng, cam thảm, rau răm, tiêu sọ, mần tưới, trầu lương, quế chi, thảo quả...

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt, cho biết rượu Phú Lễ khác các loại sản phẩm của các làng nghề làm rượu truyền thống Việt Nam chính là ở men hồ với 36 vị thuốc này.

Ngoài ra Phú Lễ còn có các đặc sản khác như dừa xiêm, thịt bò Ba Tri, gỏi gà bắp chuối hột, xôi gà... Khi đến Phú Lễ, bạn có thể đến đình làng gặp ông thủ từ nghe lịch sử đền và xin nghỉ chân tại đây. Nếu đi đúng dịp lễ hội (lễ Kỳ Yên tế xuân vào ngày 18-19/3 Âm lịch, lễ Cầu Bông tế thu vào ngày 9-10/11 Âm lịch), bạn sẽ được xem trình diễn hát bội và dự hội cúng đình.

Tác giả bài viết: Kim Kim - Ảnh: Phú Thọ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP