Giáo dục

Một đề thi "đánh thức" nhiều tiềm lực

Cấu trúc đề thi không gây bất ngờ, nhưng đề thi Ngữ văn năm nay tốt hơn hẳn về những yêu cầu: phân hóa, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng mà vẫn giữ được đặc trưng môn học, không sa vào giáo điều.

Nhìn tổng thể, đây là một đề thi hay, hơn hẳn đề thi năm trước đó.

Nhiều giáo viên dạy văn tại các trường THPT đã trao đổi với VietNamNet như vậy về đề thi THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn.

Trong khi đó, kết thúc giờ làm bài, nhiều học sinh cho biết, các em bị lệch tủ.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Tuấn Kiệt

Phương Anh (học sinh Trường THPT Lê Qúy Đôn, Hà Nội) cho biết, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” cách đây 3 năm đề đã ra rồi, nên phần lớn các em nghĩ năm nay sẽ không vào nữa và không học.

“Đề ra hay và khiến học sinh bất ngờ. Ở tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài ra’, bọn em nghĩ sẽ hỏi về hình ảnh người đàn bà, chứ không phải là sự đối lập. Sự đối lập thì hơi khó để viết”.

Phương Anh đăng ký xét tuyển đại học khối D và em dự đoán mình đạt khoảng 7 điểm môn Văn.

Mai Phương (học sinh Trường THPT Quang Trung, Hà Nội) cho rằng đề năm nay không khó nhưng hơi dài so với thời lượng 120 phút. Em cho rằng, đề này cần phải làm trong 180 phút.

“Đề năm nay rất ‘ú òa’ vì bọn em không nghĩ là sẽ vào 2 tác phẩm này. Bọn em gần như là bỏ hết, không ôn nhưng may là tác phẩm khá dễ nên em cũng làm được”.

“Năm nay, bọn em đồn với nhau là vào Vợ chồng A Phủ và Sông Hương vì 2 tác phẩm này khá kinh điển và lâu lắm rồi chưa vào. ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ vài năm trước đã vào rồi nên không nghĩ là năm nay lại vào tiếp nữa. Nếu với thời lượng 180 phút làm đề này sẽ dễ hơn”.

Mai Phương dự đoán em đạt khoảng 7-7,5 điểm.

Đề thi THPT quốc gia 2018 môn Ngữ văn

Một nữ sinh cùng trường nhận xét, câu cuối cùng phần Đọc hiểu khiến em hơi bối rối. “Ở câu hỏi quan điểm của tác giả có phù hợp với thực tiễn ngày nay không, ban đầu em làm theo hướng ‘phù hợp’ nhưng sau khi làm xong, em nghĩ rằng nó có thể không phù hợp. Thông thường thì các bạn sẽ bình luận theo một hướng”.

Nữ sinh này cũng cho biết, tác phẩm trong phần Đọc hiểu khá lạ.

Cùng chia sẻ với các bạn là “lệch tủ” nhưng Thu Trang – nữ sinh Trường THPT Bắc Hà, Hà Nội cho biết em làm khá ổn, dự đoán đạt khoảng 7,5 điểm. “Đề bài có khó hơn các đề thi thử một chút” – em nói.

Thầy Phan Trắc Thúc Định, giáo viên dạy Văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) nhận xét: Đề thi Văn năm nay rất hay, có sự phân hoá chia theo yêu cầu cơ bản và nâng cao đúng như đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT đã từng công bố.

“Câu đọc hiểu và nghị luận xã hội chạm đến vấn đề thời sự mà học sinh có thể trả lời rất tốt. Câu nghị luận xã hội rất hay; là dạng câu mở để học sinh dễ trình bày nhận thức của mình về “sứ mệnh...”; qua đó đưa ra thông điệp về ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ”.

Thầy Định đánh giá, câu nghị luận văn học nhìn qua thì khá gọn gàng, rõ ràng, mạch lạc. “Tuy nhiên theo như đánh giá của tôi thì khá dài, yêu cầu học sinh phải tổng hợp kiến thức rất rõ của 2 bài lớp 11 và 12. Đặc biệt đề yêu cầu học sinh vận dụng các thao tác rất rõ như phân tích; so sánh; bàn luận nhận xét đánh giá vấn đề. Nếu học sinh chủ động được kiến thức và bám sát thao tác lập luận mới có thể đạt được điểm cao. Với đề thi này, tôi cho phổ điểm môn Văn sẽ không cao hơn năm trước”.

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, các giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục Hocmai cho hay:

Nhìn một cách tổng quan, đề thi có những đối mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi.

Cụ thể, vấn đề đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” - một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.

Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có vấn đề (“vấn đề” không phải lúc nào cũng là tiêu cực) bởi xét đơn thuần ở tính logic của câu hỏi thì đây là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên”.

Tuy nhiên, câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh – học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.

Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận trong câu làm văn số 1 có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nướccủa mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Yêu cầu nghị luận ấy hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình. Yêu cầu đề bài rất cụ thể về hình thức là 1 đoạn văn; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh – đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học.

Câu 2 phần nghị luận văn học đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghi luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: khi tạo ra mối quan hệ so sánh đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu… Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.

Tác giả: BAN GIÁO DỤC

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP