Cửa bắc Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa - Ảnh: Trần Thế Dũng
Về vị trí địa lý Thanh Hóa nằm tiếp giáp với Ninh Bình, có hệ thống giao thông thuận lợi như quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.
Giống như đặc điểm tự nhiên chung của vùng bắc bộ, hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình đều sở hữu vô số núi đá vôi kỳ vĩ, hệ thống sông ngòi dày đặc, rừng xanh bạt ngàn, mây nước lung linh. Thế nhưng cũng dễ cảm nhận mỗi địa phương đều có điểm đến hấp dẫn, độc đáo của riêng mình.
Đáng tiếc lâu nay, dù hệ thống giao thông đường bộ đã khác xưa, thậm chí cách đây không lâu Thanh Hóa cũng đưa sân bay Thọ Xuân vào hoạt động tạo điều kiện cho ngành du lịch các tỉnh lân cận “hưởng sái".
Tuy nhiên, các nhà tổ chức tour thường chỉ chăm chút tuyến đơn lẻ, nội tỉnh Ninh Bình hoặc Thanh Hóa và gói gọn trong ngày, họa hoằn lắm thì 2 ngày, chứ chưa hề đầu tư tour liên tuyến, kết nối những di sản cùng với các danh thắng, di tích lịch sử đôi bên, bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.
Thanh Hóa có di tích đặc biệt thành nhà Hồ được xây vào năm 1397, tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới năm 2011, khu di tích lịch sử Lam Kinh vốn là vùng đất người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược (1418 - 1428).
Sau khi Lê Lợi lên ngôi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đã cho xây dựng kinh thành thứ 2 có tên gọi Lam Kinh hay Tây Kinh. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các vua Lê và hoàng hậu triều Lê Sơ.
Ngoài ra không thể không nhắc tới suối cá thần xã Cẩm Lương nổi tiếng nằm dưới chân núi Trường Sinh bao đời nay tồn tại những đàn cá dốc sinh sống ken đặc cả dòng suối, dấu hiệu nói lên sự bình an, sung túc của bà con người dân tộc Mường, Thái bản Ngọc, huyện miền núi Cẩm Thủy...
Đền thờ các vua Lê tại thành điện Lam Kinh, Thanh Hóa - Ảnh: Trần Thế Dũng
Suối cá thần Cẩm Lương - Ảnh: Trần Thế Dũng
Ở Ninh Bình khách du khách nào cũng mong một lần đến thăm cố đô Hoa Lư, thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, chùa Bái Đính và những di tích lịch sử gắn liền với 4 vương triều Đinh, Lê, Lý Trần đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới hỗn hợp năm 2014 khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên.
Danh thắng Tràng An - Ảnh: Trần Thế Dũng
Lộng lẫy Tam Cốc - Bích Động - Ảnh: Trần Thế Dũng
Một điểm đến khác thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước là nhà thờ đá Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn được xây dụng bằng vật liệu chủ yếu từ gỗ và đá, bắt đầu năm 1875 cho tới năm 1898.
Đó là một công trình kiến trúc nghệ thuật, chạm khắc tinh xảo mang dáng dấp đình chùa truyền thống Việt Nam, được đánh giá có một không hai ở Việt Nam.
Nhà Thờ Đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) - Ảnh: Trần Thế Dũng
Cây chò ngàn năm ở Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh: Trần Thế Dũng
Bên cạnh đó Ninh Bình sở hữu Vườn quốc gia Cúc Phương với hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó phải kể đến cây chò có tuổi đời khoảng 1.000 năm và loài thú linh trưởng rất đẹp.
Thêm nữa Vườn quốc gia còn là trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen các loài thực vật, và cứu hộ, nuôi dưỡng loài linh trưởng quý hiếm.
Đầm Vân Long, Ninh Bình - Ảnh: Trần Thế Dũng
Một cung đường qua hai Di sản Văn hóa thế giới sẽ mở ra nhiều tuyến tour phong phú và được khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn một phần nhờ vào sự góp sức của các nhà tour chịu đầu tư, mở mang, phát triển.
Tác giả bài viết: TRẦN THẾ DŨNG
Nguồn tin: