Một tiết học ôn môn văn sôi động của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo dự thảo chương trình môn học mới sắp được Bộ GD-ĐT công bố, môn ngữ văn sẽ chú trọng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhiều giáo viên dạy Văn phổ thông đều ủng hộ hướng mở cho phép người dạy và học lựa chọn tác phẩm văn học.
Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn không ít về 6 tác phẩm mà ban soạn thảo chương trình môn Tiếng Việt/Ngữ văn đã đưa vào chương trình mang tính bắt buộc.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Tiếng Việt-Ngữ văn, đã trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online về điểm đặc biệt mới này.
Chương trình mới: mở, linh hoạt
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, việc lựa chọn tác giả, tác phẩm nào vào chương trình nhà trường luôn là vấn đề "nóng" mà những người biên soạn phải cân nhắc, thậm chí tranh luận rất nhiều.
Chương trình hiện hành được xây dựng theo trục lịch sử văn học nên khi chọn tác phẩm, tác giả đưa vào chương trình rất khó.
Vì số lượng tác giả, tác phẩm là hết sức lớn và rất nhiều tác phẩm một chín một mười, đều đảm bảo tiêu chí và có giá trị tương đương. Đưa tác phẩm này, không đưa tác phẩm kia rất dễ gây nên những băn khoăn, thắc mắc.
Một trong những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành bị dư luận phàn nàn là chương trình môn Ngữ văn các cấp dần dần bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá.
Cũng vì thế việc dạy học môn Ngữ văn lâu nay nặng về đào sâu, phân tích tác phẩm, làm bài văn mẫu cho một số ít tác phẩm được học là chính.
Trong các kì thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy tác phẩm quen thuộc đến mòn sáo, và nếu như đề thi ra vào một tác phẩm khác chưa có trong SGK, học sinh sẽ bó tay…
Nhằm khắc phục tình trạng vừa nêu, Chương trình mới được xây dựng với định hướng mở, linh hoạt. Thể hiện trước hết ở việc không dạy theo lịch sử văn học mà tập trung vào dạy cách đọc các thể loại tiêu biểu thông qua các tác phẩm tiêu biểu.
Để bảo đảm định hướng này, chương trình chỉ chọn một số tác phẩm lớn đặc biệt mang tính bắt buộc.
Các tác phẩm khác trước đây từng có trong chương trình-SGK sẽ đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên hình dung ra về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi…Từ đó chủ động lựa chọn văn bản, tác phẩm làm ngữ liệu cho SGK và cho việc dạy học.
Do định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, không nặng truyền thụ kiến thức nên cần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau; từ đọc có hướng dẫn trên lớp đến đọc mở rộng và tự đọc. V
ì thế văn bản tác phẩm phải theo hướng mở, không gò vào một số tác phẩm nhất định.
"6 tác phẩm được chọn có giá trị đặc biệt"
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Ảnh: VĨNH HÀ |
* Tại sao ban soạn thảo lại chọn 6 tác phẩm mà không phải nhiều hơn? Khi lựa chọn các tác phẩm này, ban soạn thảo dựa vào tiêu chí nào?
- Chương trình đã nêu lên 9 tiêu chí lựa chọn văn bản nói chung, riêng. Theo đó, 6 văn bản bắt buộc được xác định từ một số lý do sau:
Trước hết, đó là những văn bản - tác phẩm có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và giá trị nhân văn.
Có thể thấy điểm chung xuyên suốt các tác phẩm bắt buộc gồm Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình ngô Đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn Độc lập, là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tính nhân văn.
Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc. Tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ.
Thứ hai là dù theo định hướng mở nhưng vẫn cần có những yêu cầu bắt buộc về học vấn cốt lõi, trong đó có hiểu biết về một số tác phẩm học sinh phổ thông không thể không biết.
Thứ ba là kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành. Chương trình - SGK hiện hành cũng lựa chọn 9 tác gia lớn để dạy. 6 tác phẩm được chọn cho chương trình mới thì phần lớn đã thuộc 9 tác gia ấy. Đây cũng là 6 văn bản luôn có mặt trong tất cả các lần đổi mới chương trình Ngữ văn từ trước tới nay.
* Nhưng có nhiều tác phẩm khác cũng có những giá trị như thế này. Nếu 6 tác phẩm trên được đánh giá là tác phẩm lớn thì nhiều tác phẩm văn học khác ở tầm thấp hơn?
- Rất nhiều tác phẩm văn học khác cũng có giá trị nhân văn, có tính giáo dục cao nhưng như tôi nói ở trên, 6 tác phẩm này có những giá trị và vị trí đặc biệt mà các tác phẩm khác khó cùng loại.
Cứ thử nêu thêm một tác phẩm nào đó cùng loại với 6 tác phẩm này sẽ thấy rất khó. Nhưng nếu đưa thêm một vài tác phẩm khác sẽ mở ra hàng loạt các tác phẩm khác tương tự, tương đương và sẽ kéo theo số lượng rất nhiều, khó có thực hiện được định hướng mở của chương trình đã xác định.
Cụ thể, chúng ta không thể chọn một tác phẩm tương đương với Đại cáo bình Ngô, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… để dùng cho các lựa chọn khác nhau vì đó là các tác phẩm đặc biệt, có một không hai.
Nhưng lấy ví dụ một giai đoạn văn học cụ thể là văn học thời kì 40-45, có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng khó có thể chọn tác giả, tác phẩm này mà bỏ qua tac giả, tác phẩm khác.
Chương trình chỉ gợi ý, còn việc chọn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Thạch Lam....thì dành quyền cho tác giả viết sách và người thực hiện dạy học, miễn là các văn bản - tác phẩm được chọn phải đáp ứng được các tiêu chí mà chương trình đã nêu lên.
Gần đây dư luận ồn ào về việc chương trình mới bỏ tác phẩm "Chí Phèo". Thực chất không phải bỏ mà "Chí Phèo" cũng như nhiều tác phẩm của các tác giả khác của giai đoạn văn học 30-45 được đưa vào phụ lục để các tác giả viết sách chủ động chọn, giáo viên học sinh cũng chủ động chọn làm ngữ liệu trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn tiếng Việt-ngữ văn |
Tác giả: Vĩnh Hà
Nguồn tin: tuoitre.vn