Một ngày mùa đông, chúng tôi thăm lại đất Mường Thàng xưa. Khác với sự hình dung về mùa đông miền núi, mảnh đất này vẫn xum xuê những vườn cam và bước chân du khách.
Trên ngôi nhà sàn nhỏ nhìn ra những đồi cam, gia chủ và khách cùng nâng chén rượu quê nồng ấm, kể với nhau nghe về những vụ thu hoạch cam bội thu. Qua vài tuần rượu thưởng thức với mâm cỗ lá thịt lợn và trước lời mời rượu ân cần của chủ nhà, mọi người đều thấy men say lâng lâng. Lúc này gia chủ mời giới thiệu bát canh bình dị trên mâm cơm. Theo tiếng địa phương, bà con gọi là món canh loóng. Nghe tên món ăn vừa lạ lẫm, vừa thú vị. bát canh có tác dụng giải rượu tất tốt.
Bát canh loóng trong mâm cỗ lá.
Thoạt nhìn những lát cây chuối thái mỏng, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Từ thân cây chuối rừng mọc bên đồi vắng, thịt gà nhà nuôi, bằng cách chế biến đơn giản nhưng đem lại hương vị rất lạ. Ban đầu, các bà nội trợ lấy thân cây chuối thái nhỏ, bóp nhẹ với muối. Thịt gà được xào vừa độ, đơn giản thế mà món canh có tác dụng giải độc tố trong cơ thể, lại rất tốt cho tiêu hóa.
Chẳng cần nhiều gia vị, nhưng khi thưởng thức, món canh loóng vẫn có vị ngon tự nhiên. Những lát chuối mỏng hãm vị béo của thịt và thêm vào đó vị thanh ngọt. Dường như, trong bữa cỗ lá của vùng Mường nào, thực khách cũng dễ dàng bắt gặp món canh ấy.
Canh loóng không phải là món ăn gì lạ lẫm với đồng bào nơi đây, nhưng chính sự giản dị ấy lại hấp dẫn với du khách. Món canh loóng đất Mường Thàng vừa là vị thuốc, vừa mang đậm hương vị núi rừng, sự mộc mạc của tình người nơi đây sẽ còn đọng mãi trong tâm trí bao người.
Tác giả bài viết: Bùi Việt Phương