Ba làm công nhân bốc vác với đồng lương “ba cọc ba đồng”, má ở nhà chăm chút việc nội trợ, một nách 3 con còn đang độ tuổi đến trường. Cám cảnh cho hoàn cảnh gia đình tôi, dì Ba là láng giềng có nhã ý dạy cho má làm món bánh ống đem bán để có tiền cho gia đình. Nghe lời đề nghị chân tình của dì, má vui mừng và nói lại với ba. Thế là, ba gật đầu đồng ý. Và ngay hôm sau, má vay tiền người quen mua quang gánh cùng với các nguyên vật liệu để “ra nghề”.
Hình ảnh chị bán bánh ống nơi chợ khiến tôi nhớ về mẹ da diết (Ảnh: BCT).
Cứ mỗi buổi chiều khi cơm nước xong, má lại lụi cụi dưới bếp chuẩn bị các thức để sáng mai ra chợ bán. Tôi làm các công việc lặt vặt giúp má như: Rọc lá chuối đã được phơi heo héo, xé ra vừa kích cỡ rồi xếp ra rổ, nạo dừa khô vắt lấy nước cốt, dừa rám lấy xác, rang mè và đâm lá dứa vắt lấy nước để ra chén. Riêng phần gạo, má chọn gạo ngon vo sạch, phơi ráo cho vào cối đá đâm nhuyễn. Khoai mì mài, vắt ráo nước để sẵn mỗi thứ ra thau,...
Sớm hôm sau, khi trời còn tờ mờ sáng, má đã quẩy gánh ra chợ. Phía trước gánh là chiếc nồi đất được đặt lên cái cà rang (bếp), trên miệng nồi là miếng gỗ tròn có đục 3 lỗ có gắn 3 ống tre lồ ô gọt mỏng, đường kính khoảng 4 – 5 phân, dài khoảng 1,5 tấc. Dưới đáy mỗi ống là một miếng thiếc mỏng (nhỏ hơn đường kính ống một chút), nơi chính giữa được soi một lỗ nhỏ để ghim một que tre nhú lên mặt ống. Mặt trên ống cũng là miếng thiếc tròn có đục lỗ (giống y như phần đáy) chụp lên phần mặt để giữ que thẳng đứng và cũng là nắp đậy; cạnh bên là túi đựng những cành củi khô được chẻ nhỏ cẩn thận. Phía sau gánh là các nguyên liệu (bột gạo, khoai mì mài, đường, nước cốt dừa, lá dứa, muối mè, v.v...) đựng riêng trong những thau, lọ nhỏ.
Sau khi tìm được vị trí thuận lợi nơi chợ, má sắp xếp mọi thứ xuống và bắt đầu nhóm lửa, đổ nước lạnh vào nồi (khoảng 2/3 nước) bắc lên bếp để làm món bánh ống. Chờ nước sôi già, má bắt đầu lấy thau trộn đều hỗn hợp các nguyên liệu bột gạo, khoai mì mài, đường, nước cốt dừa, nước lá dứa thành một hỗn hợp sền sệt, nêm nếm với một ít muối, đường cho vừa khẩu vị và bắt đầu đổ bánh.
Những chiếc bánh ống được báy bán trên mâm trông thật hấp dẫn! (Ảnh: BCT).
Tôi còn nhớ như in, má làm rất khéo và còn nhanh tay nữa. Má vừa làm vừa bảo, phải làm nhanh cho kịp bán con à.
Trước hết, má dùng phễu đặt trên miệng ống và lấy muỗng múc bột cho vào từng ống, ấn bột xuống cho dẽ dặt rồi đậy nắp thiếc lại chưng cách thủy. Chờ khoảng 5 phút sau khi thấy mùi thơm sực nức trong ống bốc lên, má dỡ nắp thiếc ra, kéo nhẹ chiếc que tre trong ống lên, lấy bánh ra, đặt bánh vào miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn. Thuận tay, rắc thêm vào đó một ít muối mè, xác dừa nạo dọn ra mâm bên dưới có lót tấm lá chuối là xong!...
Nhìn chiếc bánh hình trụ màu xanh ngọc thạch nóng hổi, trên có xác dừa nạo trắng tinh cùng màu vàng của muối mè điểm li ti tỏa hương thơm ngát được gói vào chiếc lá chuối trao cho hàng trông thật bắt mắt và hấp dẫn làm sao!. Lợi dụng trong lúc ít khách mua món bánh ống, má mới được rảnh tay. Tôi nhìn mà thương má lắm, có thèm một chiếc bánh cũng chẳng dám xin để ăn, dù rằng bụng rất đói.
Thời gian lặng lẽ trôi, nhờ ơn trời phù hộ mà gánh bánh ống hàng ngày của má không bao giờ bị ế hàng. Và, cuộc sống gia đình tôi từ đó cũng ngày càng ổn định. Anh em chúng tôi được ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn, lớn lên ai nấy đều có gia đình và có cuộc sống tự lập, đỡ kham khổ hơn xưa…
Má tôi nay đã đi xa. Hàng năm, nhân dịp lễ, Tết anh em đều tụ họp đông đủ về nhà. Nhìn di ảnh má trên bàn thờ, chúng tôi ngậm ngùi không cầm được nước mắt khi liên tưởng đến sự hy sinh vô bờ bến, chấp nhận mọi khó khăn đề cho các con ăn học thành tài, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay!...
Tác giả bài viết: Ba Cần Thơ