Băn khoăn
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông báo không công bố đề thi minh họa trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều giáo viên và học sinh đã bày tỏ sự băn khoăn.
Em Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 12, Trường THPT T.Đ (TP.HCM), cho biết:
“Các giáo viên ở trường đều dặn rất kỹ phải về học lại sách giáo khoa lớp 11. Cả lớp không khỏi lo vì kiến thức đã qua một năm. Chương trình lớp 12 cũng rất nặng” – Hải nói.
Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ có thêm chương trình lớp 11 (Ảnh: Thanh Hùng) |
Còn em Ngọc Mai, học sinh Trường THPT Hiệp Bình (TP.HCM), tiết lộ “Ngay từ hè các thầy cô đưa đề thi minh họa năm vừa rồi ra cho cả lớp học để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay. Giờ không có đề minh họa nữa nên cả thầy cô và học sinh bị rối. Các giáo viên bảo chúng em học cả sách cho chắc chắn".
Ông Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm (Hà Nội), cho rằng việc không công bố đề thi minh hoạ khiến giáo viên và học sinh chịu nhiều áp lực vì khó khăn trong việc định hướng ôn tập. Nhất là nội dung thi nằm cả ở chương trình lớp 11 và xa hơn nữa là lớp 10, học sinh không biết số lượng câu hỏi phân bố vào các lớp như thế nào.
Còn ông Hoàng Công Viêng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nhận định giáo viên và học sinh sẽ gặp khó khăn khi định hướng dạy và học.
Theo ông Viêng, như Bộ GD-ĐT công bố thì lượng kiến thức trong đề thi sẽ tăng lên. Vì vậy, "Nếu có đề minh hoạ học sinh và giáo viên sẽ nắm được mức độ câu hỏi, sự phân bố các câu trong các phần".
“Ví dụ như kiến thức 11 chiếm 30% (12 câu), thì chia đều ra mỗi chương khoảng 2 câu hay như thế nào? Vì thêm cả kiến thức lớp 11 là rất nặng cho học sinh, nếu mỗi chương khoảng 2 câu nhưng không biết nằm ở chỗ nào của chương thì cũng rất khó tập trung ôn luyện” - ông Viêng nêu ý kiến.
Ông Trần Tuấn Anh, giáo viên quận Gò Vấp (TP.HCM), nếu không có đề minh hoạ học sinh năm nay không hiểu cấu trúc đề như thế nào? Tỉ lệ câu hỏi thuộc các lớp 11 và 12 là bao nhiêu? Học sinh năm sau nữa cũng không biết tỉ lệ câu hỏi thuộc các lớp 10, 11 và 12 ra sao?... Nhưng học sinh thi vào năm học 2019-2020 sẽ biết cấu trúc đề thi.
“Nếu có đề minh hoạ, học sinh định hướng việc học bài nhất quán, không lơ mơ bất định trong vô số nội dung thi. Còn không công bố đề thi minh họa năm nay chỉ gây bất ngờ cho học sinh hai khoá đầu. Trong trường hợp phương án thi không thay đổi lớn, giữ ổn định thì sau hai khóa học sinh đều nắm vững vậy có công bằng giữa các khoá thi không?” - ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Không muốn lặp lại cơn mưa điểm 10 như năm ngoái
Trong khi đó, ở chiều ý kiến ngược lại, một hiệu trưởng ở quận Tân Phú (TP.HCM), cho rằng việc không công bố đề thi minh hoạ năm nay là không quá bất ngờ vì phương án thi vẫn giữ nguyên, giáo viên và học sinh đã quen cách thức ra đề thi trắc nghiệm.
"Tất nhiên, việc giáo viên và học sinh lo lắng do không công bố mẫu đề minh họa là đúng vì nội dung thi năm nay mở rộng thêm chương trình lớp 11. Mặt khác, mức độ phân hóa của đề thi năm ngoái không được tốt nên nếu có thêm phần thông tin về phân hóa của đề thi sẽ giúp học sinh ôn tập tốt hơn" - vị này nói..
Cô Trần An, giáo viên tại (TP.HCM) cũng cho rằng không công bố đề thi minh hoạ là đúng, bởi hình thức làm bài thi trắc nghiệm, cách thức thi trắc nghiệm vẫn như năm ngoái.
Theo cô An, năm ngoái Bộ GD-ĐT công bố 3 đề thi minh hoạ, mỗi lần công bố các trường lại chạy đua để học gần với đề thi minh hoạ nhất, đặc biệt là đề thi minh hoạ cuối cùng. Điều này sẽ hình thành tiền lệ là công bố đề thi rồi giáo viên và học sinh ôn tập tủ, học tủ.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh: Lê Văn) |
“Cách thức thi đã có rồi, bây giờ chỉ còn thêm kiến thức lớp 11. Đây là điều học sinh lo lắng nhưng không nhất thiết công bố. Thông thường, kiến thức lớp 11 không nhiều, chỉ giới hạn trong 20-30% bài thi, vì vậy phải để học sinh nắm kiến thức này. Đây cũng là trách nhiệm của giáo viên phải dạy cho học sinh hệ thống hoá kiến thức của ba năm học phổ thông chứ không phải nhăm nhăm chạy theo kỳ thi. Nên để học sinh học gì làm nấy, chứ không gói gọn học tủ, học vẹt” - cô An bày tỏ quan điểm.
Theo cô An, nguyên nhân của điểm thi năm ngoái cao là do đề thi chưa có sự phân hoá tốt, học sinh học quá nhuần nhuyễn với những vấn đề ra trong đề thi. Nếu lặp lại "vết xe đổ", kỳ thi năm nay sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy, nên chấp nhận làm mới để hiệu quả.
Dù bày tỏ lo lắng, nhưng ông Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, cũng nhận định không công bố đề thi minh họa là một việc hay khi tránh được chuyện học lệch, học tủ.
“Có thể trong kỳ thi năm 2017, Bộ đã công bố tới 3 đề thi minh họa, và đề thi chính thức bám sát đề minh họa là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưa điểm 10, nên việc không công bố đề minh họa năm nay là một biện pháp kỹ thuật để ngăn cơn mưa điểm 10 lần thứ 2 xuất hiện” – ông Công nhìn nhận.
Ông Công cho rằng dù có hay không có đề thi minh họa thì học sinh vẫn phải học, tránh tình trạng học tủ, học lệch, học gì thi đấy, phấn đấu kiến thức toàn diện, đặc biệt là các vấn đề đi theo hướng ứng dụng vào thực tế. Học sinh nào làm tốt điều này thì càng có cơ hội đạt điểm cao trong các kỳ thi chứ không chỉ kỳ thi THPT Quốc gia.
Đối với giáo viên, việc không công bố đề thi sẽ không có cơ sở để tập trung kiến thức giảng dạy, vì vậy chỉ còn dựa trên cấu trúc chương trình giảm tải. Mỗi giáo viên sẽ có những nhìn nhận riêng để xem nội dung kiến thức nào là trọng tâm nhất để xoáy sâu vào đó. Mặt khác, chương trình lớp 11 cũng không có quá nhiều khó khăn...
Tác giả: Lê Huyền - Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet